Bài 3: Những “người bạn” tốt với nghĩa tình đặc biệt với TTXVN

TTXVN có quan hệ hợp tác với hàng chục đối tác trên thế giới. Mỗi đối tác có một đặc thù trong quan hệ hợp tác, nhưng nhìn chung, các mối quan hệ hợp tác đều tốt đẹp, hiệu quả.
Bài 3: Những “người bạn” tốt với nghĩa tình đặc biệt với TTXVN ảnh 1Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi hướng dẫn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga V. Putin xem ảnh trưng bày với chủ đề “Quan hệ Việt-Nga qua ống kính của phóng viên TTXVN và Itar-Tass” tại Nhà hát Lớn Thành phố Hà Nội (tháng 11/2013). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

TTXVN có quan hệ hợp tác với hàng chục đối tác trên thế giới. Mỗi đối tác có một đặc thù trong quan hệ hợp tác, nhưng nhìn chung, các mối quan hệ hợp tác đều tốt đẹp, hiệu quả.

Không thể kể hết tất cả trong khuôn khổ bài viết này, dưới đây chúng tôi muốn nhắc tới một số “người bạn” có nghĩa tình đặc biệt với TTXVN.

Các hãng thông tấn xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là TASS - Sự hợp tác quý báu

Trong những năm tháng chiến tranh, non sông chưa thu về một mối, nhiệm vụ hợp tác quốc tế hướng tới mục tiêu khẳng định tiếng nói chính thống của cơ quan thông tấn duy nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc kháng chiến của dân tộc.

Phải khẳng định là sự hợp tác giữa Việt Nam Thông tấn xã với các cơ quan thông tấn của nhiều nước xã hội chủ nghĩa trong những năm chiến đấu chống Mỹ và những năm đầu sau khi thống nhất đất nước thực sự là hình mẫu về sự giúp đỡ lẫn nhau chí tình chí nghĩa, thấm đậm tinh thần quốc tế vô sản.

Các hãng thông tấn như TASS (của Liên Xô, nay là Liên bang Nga), Allgemeiner Deutscher Nachrichtendienst (ADN, của Cộng hòa dân chủ Đức), Prensa Latina (PL, của Cuba), Česká Tisková Kancelář (CTK, của Tiệp Khắc), Bulgarian Telegraph Agency (BTA, của Bulgaria)... đã hỗ trợ Việt Nam Thông tấn xã từ hạ tầng thiết bị kỹ thuật (máy thu phát, đường truyền, giấy và mực in...) đến giúp đào tạo cán bộ kỹ thuật, đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các phóng viên thông tấn. Sau này TASS và ADN tiếp tục tích cực hỗ trợ TTXVN trong việc mở phân xã tại Moskva và Berlin.

Trong các thập kỷ 50, 60 và 70 của thế kỷ 20, sự hỗ trợ của TASS đối với ngành là vô cùng to lớn. Năm 1957, TASS cử kỹ sư và đưa máy teletype sang lắp đặt cho Việt Nam Thông tấn xã, giúp ngành chuyển việc thu tin bằng morse sang thu bằng teletype.

Đến năm 1970, TASS giúp đặt đường liên lạc TOR để đảm bảo liên lạc giữa Hà Nội và Moskva. Cũng nhờ sự giúp đỡ của TASS mà Phân xã Moskva mới có thể đảm nhiệm được vai trò đầu mối liên lạc giữa Tổng xã Hà Nội với nhiều phân xã nước ngoài (thời kỳ đó, không có đường liên lạc trực tiếp như bây giờ).

Phải nói thêm rằng, có các nguồn viện trợ thiết bị quan trọng từ các hãng thông tấn xã hội chủ nghĩa thì TTXVN mới có thể san sẻ, giúp các bạn Lào và Campuchia.

Tâm sự với chúng tôi, nguyên Tổng Giám đốc Đỗ Phượng nhận xét trong thời kỳ này, có thể nói các hãng TASS, Prensa Latina, ADN và BTA, đã ký với TTXVN những “hiệp định quân tử,” nghĩa là các bạn giúp TTXVN tận tình, vô tư. Quan hệ mật thiết đến độ, trong những năm kháng chiến chống Mỹ và sau khi hòa bình lập lại, hàng năm, hãng thông tấn BTA của Bulgaria thường đón một số cán bộ TTXVN sang an dưỡng.

Một trong những hoạt động hợp tác quốc tế đáng chú ý của ngành thời kỳ chiến tranh và sau giải phóng là việc lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã tham dự Hội nghị hàng năm lãnh đạo các hãng thông tấn các nước xã hội chủ nghĩa, bàn về sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau và đặc biệt là phối hợp đấu tranh thông tin trong môi trường Chiến tranh Lạnh.

Và vào tháng 11/1973, phát biểu tại Hội nghị các Tổng Giám đốc hãng tin xã hội chủ nghĩa tại Moskva, đồng chí Đào Tùng, trên cương vị Tổng Biên tập của Việt Nam Thông tấn xã, đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc và chân thành tới các hãng thông tấn xã hội chủ nghĩa: “Suốt trong những tháng năm qua, hay nói đúng hơn là trong 18 năm qua, không một bản tin nào, không một buổi truyền hình nào từ thủ đô tất cả các nước xã hội chủ nghĩa anh em là không có tiếng nói và hình ảnh tham gia vào cuộc chiến đấu của nhân dân chúng tôi... Bằng trái tim đầy nhiệt tình của mình, các chiến sỹ thông tấn ở các nước anh em đã liên tục vạch trần trước dư luận trong nước và thế giới những âm mưu, thủ đoạn xâm lược, những tội ác chiến tranh vô cùng dã man và những luận điệu lừa bịp, xảo trá của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.”

TTXVN-Prensa Latina: Chan chứa ân tình

Nói về những người được chứng kiến tình hữu nghị giữa TTXVN và Prensa Latina từ những ngày đầu thiết lập quan hệ hợp tác phải nhắc đến cố Tổng Giám đốc Hoàng Tuấn, nguyên Tổng Giám đốc Đỗ Phượng và nguyên Trưởng Phân xã Việt Nam Thông tấn xã đầu tiên tại La Habana, nhà báo Vũ Văn Âu.

Sau khi Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/12/1960, lãnh đạo TTXVN đã có chủ trương lập phân xã tại đây cho dù tiên liệu rằng có nhiều khó khăn ở phía trước, như chưa có phóng viên biết tiếng Tây Ban Nha, và sự xa cách về vị trí địa lý - chưa cho phép hai hãng thu phát tin trực tiếp của nhau, trong khi tình hình thu-chi ngoại tệ của ngành ngày ấy còn rất eo hẹp.

Cuối năm 1961, cơ quan quyết định cử hai nhà báo Vũ Văn Âu và Nguyễn Khắc Thìn sang Cuba học tiếng Tây Ban Nha. Mục tiêu mà Lãnh đạo ngành lúc bấy giờ đặt ra là lập phân xã ở La Habana, tiến tới phát triển sang một số nước Mỹ Latinh khác - điều đến nay đã trở thành hiện thực.

Nhà báo lão thành Vũ Văn Âu cho biết sự giúp đỡ của Hãng Thông tấn Mỹ Latinh Prensa Latina (PL) dành cho Việt Nam Thông tấn xã trong những ngày đầu vô cùng khó khăn đó, luôn khắc ghi trong tâm trí ông. Dù hơn nửa thế kỷ đã qua, nhưng những bài báo về "Cuba trong những ngày nước sôi lửa bỏng," được thực hiện với sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp PL là những kỷ niệm không thể nào quên trong sự nghiệp của nhà báo Vũ Văn Âu.

Về phía PL, lãnh đạo bạn cũng luôn bày tỏ mong muốn sớm cử phóng viên sang Hà Nội để đưa tin, phản ánh cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân ta ở miền Nam. Tháng 10/1966, một thỏa thuận khung về việc hai cơ quan thông tấn thiết lập quan hệ hợp tác đã được hình thành.

Trên cơ sở nội dung thỏa thuận này, PL đã nhiều lần tổ chức các chuyến đi thực tế cho phóng viên thường trú của TTXVN, giúp Phân xã truyền tin từ La Habana tới Phân xã tại Moskva để chuyển về Tổng xã, lắp đặt thiết bị giúp Phân xã thu tin hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhờ vậy, thông tin về chiến thắng của quân và dân ta được kịp thời đến với công chúng Cuba và khu vực Mỹ Latinh.

Một sự việc khác ghi dấu ấn hợp tác TTXVN-PL là vào năm 1970, bạn đã tổ chức, sắp xếp, liên hệ với Bộ Đại học đặc cách đón một đoàn mười cán bộ của Việt Nam Thông tấn xã (do nhà báo Hồ Tiến Nghị làm trưởng đoàn) sang học tại Khoa tiếng Tây Ban Nha của Đại học La Habana.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho anh em học tập, PL còn bố trí nhà riêng cho đoàn. Khi đã có một cơ số cán bộ giỏi tiếng Tây Ban Nha, đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1974, Ban Lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã đã quyết định thành lập Tiểu Ban tin tiếng Tây Ban Nha thuộc Ban Tin Đối ngoại.

PL khi đó đã cử đồng chí Alberto Perez, một trong những biên tập viên giỏi và có kinh nghiệm thông tin đối ngoại, sang Việt Nam giúp TTXVN hiệu đính bản tin. Và từ đó đến nay, dù không liên tục, nhưng TTXVN và PL vẫn duy trì hoạt động hợp tác này.

Bên cạnh đó, 10 năm qua, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, Chính phủ Cuba, thông qua PL, mỗi năm vẫn cấp cho TTXVN hai học bổng để đưa sinh viên sang học tiếng Tây Ban Nha hoặc chuyên ngành báo chí tại Cuba, giúp bổ sung cho đội ngũ các nhà báo sử dụng tiếng Tây Ban Nha của ngành.

Có thể nói, việc này đã góp phần không nhỏ tạo dựng cho TTXVN một đội ngũ nhà báo tiếng Tây Ban Nha được đánh giá là chất lượng cao nhất trong các cơ quan báo chí trong nước.

Bị tác động bởi cuộc bao vây kinh tế của Mỹ chống Cuba, Prensa Latina buộc phải đi đến quyết định đóng cửa nhiều văn phòng ở nước ngoài, kể cả Hà Nội. Tuy nhiên, thời điểm đó, Thông tấn xã đã trình với lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho phép ngành giúp đảm bảo hoạt động cho Văn phòng PL tại Hà Nội.

Được sự chấp thuận của lãnh đạo cấp cao, TTXVN đã giúp PL từ trụ sở đến phương tiện công tác, cán bộ phiên dịch, cán bộ văn phòng... Năm 1996, ngành đã quyết định giúp Cuba mua sắm một số trang thiết bị cần thiết phục vụ việc thu phát tin tương đương với các hãng tin của các nước Mỹ Latinh (cho đến giữa năm 1996, thiết bị thu phát của PL chủ yếu vẫn là teletype vì bạn quá khó khăn về ngoại tệ). Những việc làm này đã gây xúc động mạnh trong cán bộ, nhân viên Prensa Latina và luôn được lãnh đạo hãng nhắc đến mỗi khi có dịp tiếp xúc với Lãnh đạo TTXVN.

Có thể khẳng định rằng, quan hệ TTXVN-Prensa Latina là mối quan hệ anh em, đồng chí, đồng nghiệp, là sự phản ánh một cách sinh động mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Cuba, tuy cách xa nhau nửa vòng Trái đất nhưng lại hết sức gắn bó, thủy chung.


Kyodo - hãng thông tấn tư bản đầu tiên hợp tác với TTXVN không tính đến lợi nhuận

Năm 1975, Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau sự kiện gây chấn động dư luận thế giới này, nhiều hãng thông tấn nước ngoài, nhất là các nước tư bản, đã dồn dập liên lạc với TTXVN bày tỏ nguyện vọng được hợp tác để trao đổi phóng viên, tiến tới mở văn phòng thường trú tại Hà Nội.

Tháng 8/1975, Hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản) đã gửi hai bức điện tới Tổng Giám đốc Đào Tùng, bày tỏ mong muốn được cử đoàn cấp cao Kyodo sang thăm Việt Nam và làm việc với Ban Lãnh đạo TTXVN về việc mở phân xã thường trú của Kyodo tại Hà Nội.

Sở dĩ Kyodo nóng lòng muốn cử phóng viên sang Hà Nội là vì muốn giải đáp được câu hỏi mà dư luận Nhật Bản đang sục sôi: “Tại sao một nước Việt Nam nhỏ bé, kinh tế nghèo nàn lại có thể đánh thắng Mỹ - cường quốc có tiềm lực kinh tế và quốc phòng mạnh nhất thế giới?”

Năm 1979, Kyodo cử ông Ikeuchi - Trưởng Phân xã Kyodo tại Bangkok (Thái Lan) sang Việt Nam để đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Nhân chuyến thăm này, ông Ikeuchi đã đến chào Tổng Giám đốc Đào Tùng và nhắc lại nguyện vọng của Kyodo muốn mở quan hệ hợp tác với TTXVN, thực hiện trao đổi phóng viên giữa hai hãng.

Kyodo là hãng thông tấn toàn cầu, có đại diện tại hầu hết các nước lớn trên thế giới. Năm 1979, Ban Lãnh đạo TTXVN đã quyết định mời Đoàn cấp cao Kyodo do Chủ tịch Shin-Ji-Sakai dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, TTXVN và Kyodo đã ký Hiệp định hợp tác, tập trung tăng cường trao đổi tin, ảnh, và trao đổi phóng viên, tiến tới mở văn phòng đại diện tại Hà Nội và Tokyo.

Triển khai Hiệp định hợp tác, Kyodo đã nhận bồi dưỡng tiếng Nhật cho hai phóng viên TTXVN. Hai nhà báo Nguyễn Minh Lượng và Bùi Văn Thanh đã được cử sang Nhật Bản bốn tháng bổ túc tiếng Nhật và thực tập, chuẩn bị cho việc mở Phân xã Tokyo.

Nhu cầu cung cấp tin, bài của TTXVN khi đó ngày càng lớn, năm 1979, Tổng Giám đốc Đào Tùng quyết định cử đồng chí Bùi Văn Thanh sang Tokyo công tác với tư cách đặc phái viên. Chi phí ở Nhật Bản vô cùng đắt đỏ nhưng trong hai năm 1979 và 1980, bốn tháng mỗi năm, Kyodo đài thọ toàn bộ nhà ở và kinh phí hoạt động cho phóng viên Bùi Văn Thanh. Đồng thời, Kyodo cử một đặc phái viên sang Hà Nội công tác nhiệm kỳ một năm.

Trong hai năm đầu làm việc, mỗi năm bốn tháng tại Nhật Bản, tin tức của đồng chí Bùi Văn Thanh được Tổng xã Hà Nội và các cơ quan khác như Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại trung ương đánh giá tốt. Từ năm 1980-1990, phóng viên Bùi Văn Thanh hoạt động với tư cách đặc phái viên TTXVN tại Tokyo. Đến năm 1990, phân xã TTXVN chính thức đi vào hoạt động.

Nhìn lại chặng đường hợp tác giữa TTXVN và Kyodo, đồng chí Bùi Văn Thanh nhớ lại, cố Tổng Giám đốc Đào Tùng và nguyên Tổng Giám đốc Đỗ Phượng đã luôn trăn trở, khắc phục rất nhiều khó khăn, vượt qua biết bao trở ngại để đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng hợp tác thiết thực, lâu dài và có hiệu quả giữa hai hãng, cho đến ngày nay.

Đánh giá về quan hệ hợp tác này, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi khẳng định cho đến nay, Thỏa thuận hợp tác giữa TTXVN và Hãng Thông tấn Kyodo là một trong những thỏa thuận hợp tác toàn diện nhất và hiệu quả nhất, trên tất cả các lĩnh vực trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, tương hỗ trụ sở của nhau tại Hà Nội và Tokyo, tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên thường trú của nhau, trao đổi quan điểm tại các diễn đàn nghề nghiệp khu vực và quốc tế mà hai bên tham dự.

Trong quá trình nâng cao hiệu quả của hoạt động điều độ thông tin của ngành trong những năm gần đây, không thể không kể đến sự chia sẻ kinh nghiệm phát triển của các đồng nghiệp Kyodo.

Từ hơn 30 năm nay, trụ sở TTXVN cũng là địa chỉ của Văn phòng thường trú Kyodo tại Hà Nội; nhiều phóng viên, biên tập viên của TTXVN cũng đã thực hiện tốt vai trò trợ lý báo chí cho Trưởng đại diện Kyodo tại Hà Nội.

Bên cạnh mối quan hệ chính thức giữa hai hãng, nhiều phóng viên thường trú của Kyodo tại Hà Nội và phóng viên thường trú của TTXVN tại Tokyo cũng như nhiều thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại của hai hãng đã trở thành những đồng nghiệp thân thiết của nhau.

Chắc chắn còn nhiều điều về lịch sử hoạt động đối ngoại của TTXVN mà chúng tôi chưa được tiếp cận. Là thế hệ đi sau, đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của ngành, với niềm tin rằng việc bổ sung lịch sử hoạt động đối ngoại của ngành thông tấn sẽ tiếp tục được triển khai, giúp TTXVN có một tác phẩm về lịch sử ngành đầy đủ và toàn diện, chúng tôi trân trọng và luôn mong muốn nhận được các tư liệu về hoạt động hợp tác quốc tế của ngành, đặc biệt là tư liệu về Việt Nam Thông tấn xã trong những năm tháng đầu hình thành và xây dựng Nhà nước Việt Nam, trong thời kỳ kháng chiến và những năm đầu của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Việc làm này sẽ giúp các thế hệ những người làm báo thông tấn hiểu hơn về sứ mạng cao quý của ngành, từ đó thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Thay cho lời kết, chúng tôi xin gửi lời tri ân và lòng biết ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo ngành qua các thế hệ vì sự quan tâm sâu sắc tới công tác đối ngoại ngành, sự nghiêm khắc rèn giũa của các đồng chí dành cho các cán bộ làm công tác đối ngoại; cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm Ban Thư ký Biên tập, các đơn vị trong ngành đã đồng hành cùng chúng tôi và cảm ơn các bạn đồng nghiệp ở trong và ngoài nước đã chia sẻ kinh nghiệm, động viên chúng tôi để chúng tôi luôn vững bước trên tiến trình hội nhập quốc tế.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của đồng chí Đỗ Phượng - nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, đồng chí Bùi Văn Thanh - nguyên Chánh Văn phòng TTXVN, nguyên Trưởng Phân xã Tokyo, và đồng chí Vũ Văn Âu - nguyên Trưởng Phân xã La Habana, đã nhiệt tình cung cấp nhiều tư liệu quý báu về công tác hợp tác quốc tế của ngành trong thời gian chiến tranh và thời kỳ đầu đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục