Trong quá trình xâm nhập các "lò gạch ma" không phép tại Sóc Sơn, nhóm phóng viên đã liên tục ghi nhận tình trạng nhiều ông chủ đã “âm thầm” xây thêm các công trình lò vòng dã chiến. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Bắc Phú đã có ít nhất 2 lò kiểu mới được đưa vào vận hành cùng một lò khác đang trong quá trình thi công.
Thế nhưng, bi hài thay, tại buổi làm việc chiều 11/3 với lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Bắc Phú, ông Lê Minh Xuân, Chủ tịch xã vẫn khẳng định: Trên địa bàn toàn xã hiện chỉ còn 2 cặp lò Bách khoa.
Đại công trường xây dựng lò vòng
Tháng 1/2016, qua khảo sát thực tế, chúng tôi xác định được việc ông chủ Dũng “bộ đội” đang khẩn trương tiến hành xây dựng lò vòng dã chiến trên nền lò vung cũ của mình. Vị trí này nằm cách Ủy ban nhân dân xã không xa. Đây là hệ thống lò có chiều dài lên tới hơn 100m, với cột khói vươn cao cùng khu lán trại bề thế để phục vụ việc sản xuất gạch nung với công suất cực lớn.
Vào thời điểm chúng tôi tiếp cận lò Dũng lần đầu, hàng loạt máy xúc cỡ lớn vẫn đang lầm lũi làm việc. Các công nhân hối hả xây dựng hệ thống dẫn nhiệt và ống lò cao hàng chục mét.
Cũng trong tháng 1/2016, tại khu vực công trường xây dựng trên thậm chí xảy ra sự cố sụt mái khung nhà che gạch khiến một số công nhân địa phương bị thương. Sự cố trên buộc ông chủ người Bắc Phú phải thay đơn vị thi công thép tại công trình.
Đến đầu tháng 2/2016, lò vòng của Dũng cơ bản được hoàn thiện và bắt đầu đưa vào vận hành “rốt đa”. Để “tối ưu hóa” việc sản xuất, Dũng nhập nguyên một dàn máy đùn gạch tự động với công suất 12 vạn/ngày, đồng thời thuê hàng chục công nhân từ một tỉnh miền Trung về làm việc.
Sau này, khi đã thân quen hơn, Dũng “bộ đội” cho hay, việc xây dựng, cải tạo từ lò vung lên lò vòng, các cấp chính quyền đều nắm được cả, nhưng vẫn “lờ” đi cho làm.
Ngay sau khi lò của Dũng “bộ đội” chạy nóng máy không lâu, đến lượt ông chủ Đào Văn Thanh động thổ trên khu đất gần 5ha gần ngay trường Tiểu học Tân Minh A. Tính tới thời điểm hiện tại, hệ thống các ống dẫn nhiệt đã cơ bản được xây dựng xong, trong khi ống khói cao cả chục mét vẫn tiếp tục được dựng lên cao hơn.
Cũng theo ghi nhận trực quan của chúng tôi, trên địa bàn xã Bắc Phú hiện có sơ bộ 3 lò vòng dã chiến đã và đang được xây dựng, bên cạnh đó ít nhất còn tồn tại 2 cặp lò vung tại vị trí của lò Dũng "bộ đội" và ông Đào Văn Thanh.
Xã Bắc Phú hoàn toàn không nằm trong vùng quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng của huyện Sóc Sơn cũng như của cả thành phố Hà Nội.
Thành tích địa phương?
Ngay trước ngày ra loạt bài về những lò vòng “khuyết khai sinh” trên địa bàn huyện Sóc Sơn, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Lê Minh Xuân - Chủ tịch xã Bắc Phú (Sóc Sơn, Hà Nội). Đáng ngạc nhiên, vị “quan xã” vẫn một mực khẳng định, trên địa bàn xã không hề có sự tồn tại của lò vòng.
“Anh xin được nói là trên địa bàn xã không có lò gạch thủ công, chỉ còn cái lò nó chuyển theo cái công nghệ của trường đại học Bác Khoa thôi, gọi là lò úp vung đấy, xử lý công nghệ, xử lý khỏi thải”, ông Xuân tự hào khoe.
Thậm chí, người đứng đầu xã Bắc Phú còn mạnh dạn cho biết, cũng như các xã khác, thời gian qua, thực hiện theo chủ trương của thành phố, của huyện thì Bắc Phú đã có sự phối hợp cùng các ngành chức năng huyện đã xóa bỏ toàn bộ hệ thống lò, vì vậy, hiện nay trên địa bàn xã chỉ còn duy nhất 2 cặp lò Bách Khoa.
“Theo chủ trương huyện là từ nay đến 30/10/2016, trên toàn huyện sẽ xóa bỏ toàn bộ hệ thống lò không đủ điều kiện cấp phép theo quy hoạch của thành phố”, ông Xuân hân hoan tô điểm thêm cho thành tích của địa phương.
Thực tế đã chứng minh những phát ngôn của ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bắc Phú là khá... phi lý khi địa phương này tới nay đang là một trong những đơn vị “dẫn đầu” về phong trào xây dựng “lò vòng ma.”. Như đã nói ở trên, theo ghi nhận trực quan của chúng tôi, trên địa bàn xã Bắc Phú hiện có sơ bộ 3 lò vòng dã chiến đã và đang được xây dựng, bên cạnh đó ít nhất còn tồn tại 2 cặp lò vung tại vị trí của lò Dũng “bộ đội” và Thanh.
Vị “quan xã” Bắc Phú khiến cả chúng tôi cũng lúng túng với những phát ngôn “bất chấp” này. Khi được hỏi về lực lượng lao động tại các lò gạch tại xã, ông Xuân khẳng định chắc như định đóng cột: “Toàn người địa phương”
Đối chiếu với thực tế, câu hỏi được đặt ra là: Vậy nhóm công nhân người miền Trung mà ông chủ Dũng “bộ đội thuê” đã được “chuyển khẩu” thành người địa phương như ông Chủ tịch nói từ bao giờ?
Góp thêm vào câu chuyện, ông L., Bí thư Đảng ủy xã Bắc Phú - người được ông chủ Đào Văn Thanh cho là có tham gia cổ phần vào việc xây lò vòng - còn rất thành thật: “Anh mạnh dạn nói thế này, việc người ta chuyển đổi công nghệ một tý (?) là để tạo công ăn việc làm, đầu tư nguyên vật liệu để xây dựng… nông thôn mới của huyện và xã…”
Cả hai vị quan chức cấp cao xã Bắc Phú đều khẳng định, xã thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động của hệ thống lò tại địa phương. Thế nhưng, sự vênh nhau giữa phát ngôn của các quan chức này với thực tế khiến chúng tôi không khỏi đặt ra câu hỏi: Liệu việc kiểm tra, giám sát ấy có phải chỉ là tưởng tượng? Hay, thực sự, đằng sau sự tồn tại của ít nhất 3 lò vòng “ma” tại đây đã nhận được sự “ăn giơ” từ chính chính quyền?
Bài 4: Cận cảnh thế giới "lò gạch ma" giữa lòng Thủ đô Hà Nội