Bài 3: Tuyển dụng lao động sẽ tăng chóng mặt khi hết dịch COVID-19?

Chuyên gia dự báo rằng, một khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát thì nhu cầu tuyển dụng sẽ nhanh chóng tăng mạnh trở lại, vậy thì trong lúc đó, người lao động và chủ sử dụng cần chuẩn bị những gì?
Bài 3: Tuyển dụng lao động sẽ tăng chóng mặt khi hết dịch COVID-19? ảnh 1Người lao động tham gia phỏng vấn tuyển dụng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cuối năm 2019, thị trường lao động tại Việt Nam vẫn còn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực của việc gia tăng nhu cầu tuyển dụng ở hầu hết các ngành nghề do sự phát triển của các ngành dịch vụ, sự dịch chuyển, mở rộng các nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Thế nhưng, chỉ sau Tết Nguyên đán 2020, dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất lớn đến thị trường lao động, nhủ cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đã giảm thiểu đáng kể.

Phóng viên đã có trao đổi với bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự Navigos Search (Tập đoàn Navigos Group) về những tình hình tuyển dụng lao động trong thời gian gần đây và những lưu ý đối với người lao động và doanh nghiệp.

- Việc quản lý, tuyển dụng hay sử dụng người lao động đối với các doanh nghiệp đang gặp những khó khăn, thách thức gì?

Bà Ngô Thị Ngọc Lan:  Do hoạt động kinh doanh ngưng trệ nên cơ cấu nhân sự và công tác tuyển dụng cũng chịu tác động ít nhiều bởi dịch bệnh lần này.

Theo quan sát của Navigos Search, 3 lĩnh vực thấy được sự tác động rõ rệt nhất về tuyển dụng nhân sự là: Dịch vụ, du lịch, khách sạn; sản xuất; thương mại.

Đối với lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, các tour du lịch buộc phải hủy do không đủ lượng khách, các lễ hội và sự kiện buộc phải hủy nên không còn thu hút khách du lịch từ nước khác, các khách lẻ cũng hạn chế đi du lịch trong thời gian này. 

Với tình hình này, các công ty nhỏ trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn đã phải cho đến 1/2 hoặc 1/3 nhân viên tạm thời nghỉ việc. Một số công ty đã đưa ra các chính sách cắt giảm nhân sự. Các công ty có quy mô lớn vẫn cho nhân viên đi làm và được hưởng lương. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt thì doanh thu các công ty lớn cũng ảnh hưởng nhiều, dẫn đến không còn khả năng duy trì việc trả lương như hiện nay. 

Nhiều doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch tuyển dụng trước Tết, hoặc trì hoãn việc tuyển dụng mới. 

Bài 3: Tuyển dụng lao động sẽ tăng chóng mặt khi hết dịch COVID-19? ảnh 2Bà Ngô Phương Lan dự báo một khi dịch bệnh được kiểm soát thì nhu cầu tuyển dụng sẽ nhanh chóng tăng mạnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với ngành sản xuất, Trung Quốc được gọi là công xưởng của thế giới với lượng cung ứng hàng hóa rất lớn, việc đóng cửa biên giới để phòng chống dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc nhập các nguyên vật liệu từ Trung Quốc cho các nhà máy tại Việt Nam. Một số nhà máy do có nguồn nguyên liệu dự trữ hoặc nguồn nhập dự phòng từ quốc gia khác nên vẫn hoạt động được bình thường trong thời gian này. Tuy nhiên, có những nhà máy buộc phải dừng các hoạt động sản xuất do không nhập được linh kiện từ Trung Quốc, buộc phải cho người lao động nghỉ việc tạm thời. 

[ILO dự báo gần 25 triệu lao động có thể mất việc vì dịch bệnh COVID-19]

Bên cạnh đó, các công ty có nhu cầu tuyển dụng nhằm mở rộng quy mô, dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, hoặc đặt thêm nhà xưởng mới tại Việt Nam cũng buộc phải trì hoãn và không xác định được thời gian tái khởi động.

Do chưa thể dự đoán được quy mô và diễn biến của dịch bệnh trong tương lai nên các doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc xác định thời gian hoạt động bình thường trở lại.  Đối với dịch bệnh SARS năm 2003 cần ít nhất một năm để doanh nghiệp phục hồi và hoạt động lại bình thường, thì đối với dịch bệnh có quy mô lớn thì cũng cần thời gian dài hơn.

- Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang siết chặt việc cấp phép cho lao động người nước ngoài vào Việt Nam làm việc để phòng chống dịch COVID-19, điều này ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động? Liệu đây có phải là cơ hội cho lao động Việt Nam hay không?

Bà Ngô Thị Ngọc Lan: Theo quan sát của Navigos Search, đối với các ứng viên tuyển mới, bao gồm cả ứng viên Việt Nam, nhiều ứng viên từ chối đến làm việc tại những nơi đang có dịch bệnh. Chúng tôi ghi nhận có các trường hợp ứng viên đã xin nghỉ việc tại các công ty có đia điểm làm việc trong vùng phát sinh dịch. Các ứng viên từ Trung Quốc, Hong Kong, thậm chí Đài Loan cũng không thể xuất cảnh để đến Việt Nam tham gia phỏng vấn, làm việc. Nhà tuyển dụng cũng buộc phải hủy phỏng vấn do chưa rõ diễn biến dịch bệnh sẽ kéo dài đến khi nào. Nhiều kế hoạch tuyển dụng của các công ty đang được xem xét lại hoặc trì hoãn. 

Tuy nhiên, việc không tuyển dụng lao động người nước ngoài không hẳn là cơ hội cho lao động Việt Nam, bởi vì tỷ lệ cạnh tranh việc làm với ứng viên nước ngoài tại Việt Nam hầu như không cao. Rất nhiều ngành nghề vẫn ưu tiên người bản địa vì chi phí lao động hợp lý hơn, người lao động am hiểu văn hóa và thị trường Việt Nam hơn. 

Ngược lại, một số ngành nghề vẫn cần đến chuyên gia nước ngoài do ứng viên trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tạo ra thị trường lao động đa dạng hóa về quốc tịch, văn hóa cũng thúc đẩy tư duy toàn cầu và nâng cao hiệu suất làm việc hơn. Theo tôi, khi kiểm soát được dịch bệnh thì việc cấp phép cho lao động nước ngoài sẽ trở lại như trước đây. 

- Bà có lời khuyên gì cho người lao động để đối phó với những biến động bất ngờ của thị trường lao động như thời gian này?

Bà Ngô Thị Ngọc Lan: Nếu người lao động đang làm việc trong các ngành nghề chịu nhiều tác động từ dịch thì cần chủ động có giải pháp đối phó. Đối với các doanh nghiệp đã có kế hoạch hoạt động lại bình thường, có kế hoạch cấu trúc lại bộ phận nhân sự phù hợp, người lao động nên cân nhắc tiếp tục ở lại làm việc vì sau biến động công ty luôn cần nhân tài để giúp doanh nghiệp phục hồi doanh nghiệp nói riêng và phục hồi nên kinh tế nói chung.

Ngược lại, đối với những công ty phải ngừng hoạt động không xác định được thời hạn, người lao động có thể cân nhắc tìm các công việc làm thêm, các công việc độc lập hoặc chuyển sang các ngành nghề có liên quan. Bên cạnh đó, nếu quyết định chuyển sang ngành nghề mới, người lao động cần chủ động học hỏi các kiến thức mới, kỹ năng mới thông qua các khóa học ngắn hạn, học trực tuyến trong thời gian đang tạm ngừng việc.

Còn đối với các công ty, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của tình hình dịch bệnh, song các doanh nghiệp vẫn có thể tận dụng thời gian thấp điểm này để đào tạo nhân viên, xây dựng và hoàn thiện quy trình làm việc hiệu quả, đề ra các giải pháp để tăng tốc sau khi dịch bệnh được kiểm soát và đẩy lui. 

- Bà dự báo thời gian tới thị trường lao động, tuyển dụng sẽ diễn biến như thế nào nếu dịch được kiểm soát?

Bà Ngô Thị Ngọc Lan: Theo dự đoán của chúng tôi, một khi dịch bệnh được kiểm soát thì nhu cầu tuyển dụng sẽ nhanh chóng tăng mạnh trở lại vì trước Tết đã rất nhiều kế hoạch tuyển dụng đã phải trì hoãn, đặc biệt là tái khởi động việc tuyển dụng ngành trong sản xuất nhằm mở rộng quy mô, dịch chuyển dây chuyền sản xuất, xây dựng thêm các nhà máy mới...

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự trong thời gian diễn ra dịch bệnh, đây cũng là lúc họ phải đẩy mạnh việc tuyển dụng để khôi phục lại bộ máy nhân sự đồng thời cũng tìm kiếm các nhân tài để giúp vực doanh nghiệp sớm khởi sắc sau biến động.

Xin cảm ơn bà!

Theo dữ liệu tuyển dụng từ VietnamWorks, số lượng công việc đăng tuyển của các ngành có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: Hàng không/du lịch  giảm 28%; nhà hàng/khách sạn giảm 21%; giáo dục giảm 11%...

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục