Mỗi năm thu được hơn 6 tấn rau các loại; khu chăn nuôi với hàng chục con lợn; những đàn gà, vịt như “cố máy” đẻ trứng sạch tung tăng bên bờ biển… là những điển hình tăng gia sản xuất cho thấy khả năng hậu cần tại chỗ của cán bộ, chiến sỹ trên các điểm đảo Trường Sa.
Nông nghiệp xanh
14 giờ chiều, nắng vàng phủ khắp đảo Sinh Tồn Đông, hòn đảo xinh đẹp như một dải lụa giữa trùng khơi. Nếu như ở nhiều đảo khác, màu xanh cây lá chỉ của bàng vuông, phong ba, bão táp thì ở Sinh Tồn Đông, bước chân lên đảo, chúng tôi như cảm giác lạc vào một khu sinh thái với bạt ngàn cây cảnh, những vườn rau xanh mướt.
Sinh Tồn Đông còn được những người lính nơi đây gọi là đảo hoa với những hàng hoa giấy đủ màu sắc đỏ, tím, vàng…
Theo lời kể của các chiến sỹ, hoa giấy được mang từ đất liền ra trồng từng luống như hàng rào che chắn, khi hoa nở tạo thành những dải tím hồng, gợi nhớ hình bóng quê hương. Dưới bầu trời trong xanh, hoa giấy càng tôn thêm vẻ đẹp cho đảo.
Bên cạnh việc tạo cảnh quan, hơi thở cho đảo, rau xanh là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong đời sống của các cán bộ, chiến sỹ. Nhờ có nước ngọt, mái che và sự chăm chỉ của người lính, nên xung quanh đảo đâu đâu cũng hiện hữu màu xanh của rau muống, mồng tơi, rau cải.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn rau thanh niên, vườn rau hậu cần, chiến sỹ Nguyễn Văn Trung chia sẻ, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, canh gác, việc trồng rau, tăng gia sản xuất vừa là nhiệm vụ để cải thiện đời sống trên đảo, vừa là niềm yêu thích của các chiến sỹ nơi đây. Chính vì vậy, các anh luôn nâng niu từng luống rau, từng chậu hoa, cây cảnh để cho đảo thêm xanh và đầy sức sống.
Điều ấn tượng là, không chỉ trồng được hoa và rau xanh giữa trùng khơi, một số đảo còn sản xuất được khối lượng rau “khổng lồ,” khiến những vị khách từ đất liền lần đầu ra Trường Sa không khỏi giật mình, thậm chí ngỡ như “chuyện cổ tích.”
Đơn cử như các đảo Trường Sa Đông, An Bang, dù diện tích đất hạn hẹp, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nước ngọt hạn chế, nhưng trong năm 2018, các đảo đã thu được hơn 6 tấn rau, đảm bảo chế độ rau xanh 3 bữa/ngày cho cán bộ, chiến sỹ.
[‘Sức sống xanh’ trường tồn nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa]
Để có được thành tích trên, theo chàng lính trẻ Võ Ngọc Anh Thao (sinh năm 1999, quê ở Bà Rịa Vũng Tàu), hàng ngày sau những giờ huấn luyện, các chiến sỹ lại thay nhau ra vườn rà từng luống rau… bắt sâu, rồi tận dụng nước tắm, giặt đem tưới. Nhờ đó, những luống rau ngày thêm xanh và phát triển tốt tươi.
Có chứng kiến cái nắng, cái gió của Trường Sa, tận mắt nhìn các chiến sỹ cần mẫn bắt sâu thay vì dùng thuốc phun thuốc, chắt chiu từng ca nước tưới vào những khay, thùng composite trồng rau được phủ kín xung quanh bằng những tấm bạt nylon để tránh sóng gió, mới thấy hết ý nghĩa của số lượng rau thu được.
Đó cũng là lý do mà sau khi nghe báo cáo của đảo An Bang, ông Nguyễn Khắc Hà, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương (Ban Thi đua khen thưởng Trung ương) đã đề nghị đoàn công tác dành những chàng vỗ tay cho nỗ lực của đảo. Bởi theo ông Hà “đây là kết quả nghe như chuyện cổ tích nhưng có thật, mà một số vùng đất liền cần phải học tập.”
Thực tế, để có được màu rau xanh trên đảo, cách trồng rau cũng phụ thuộc vào yếu tố “chìm,” “nổi” của từng đảo. Nếu như ở các đảo nổi, rau được trồng trong những khu vườn, được che chắn cẩn thận thì tại các đảo chìm Thuyền Chài, Đá Lát, Đá Tây, Đá Đông,… muốn có rau xanh, lính đảo lại phải trồng ở trong từng khay nhựa và chậu đá, đặt ở ngay trong phòng và trên nóc nhà.
Trước đây, việc trồng rau xanh ở Trường Sa trải qua không ít gian nan nhưng gần đây, được sự chi viện từ đất liền, những hạt giống rau tốt nhất và phù hợp với thời tiết ở đảo, các thùng composite, khay nhựa đã được chuyển ra. Điều này giúp các chiến sỹ rất nhiều trong khâu ươm giống và chăm sóc để có những vườn rau xanh mát, những vườn cây ăn quả như đu đủ, dưa, mía, chuối... cho chất lượng và năng suất cao.
Khi lính đảo thành… nhà chăn nuôi
Không chỉ trồng rau xanh, chăm cây cảnh để tạo cảnh quan giữa trùng khơi, cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa còn tích cực triển khai những mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả, góp phần cải thiện bữa ăn, đảm bảo sức khỏe và góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhờ đó, sức sống ở Trường Sa không chỉ dừng lại ở màu xanh cỏ cây, hoa lá mà còn có cả sự hiện diện của những đàn lợn, gà, vịt to béo đến ngỡ ngàng.
Chính trị viên đảo An Bang Nguyễn Hồng Tiến cho biết, để công tác chăn nuôi phát triển, thời gian qua, đảo luôn coi trọng việc thuần chủng các giống lợn thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt trên đảo; tận dụng nguồn thức ăn dư thừa; tăng cường che chắn, củng cố hệ thống chuồng trại. Thời kỳ lợn sinh sản, tổ chăn nuôi thường xuyên lập kế hoạch phòng, chống dịch bệnh theo mùa vụ.
Chỉ từ vài con lợn giống từ đất liền đưa ra, nay đã hình thành đàn với đủ các loại lợn thịt, lợn nái, lợn giống. Do tự nhân giống nên cả đàn lợn đã thích nghi được với thời tiết thay đổi liên tục ở trên đảo.
Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên đảo An Bang có trên một trăm con. Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng, gia súc, gia cầm trên đảo phát triển rất tốt, trong đó, nhiều con lợn có trọng lượng lên tới hơn 120kg.
Câu chuyện lợn nặng tới hơn 120kg được nuôi bằng rau xanh và cơm thừa ở giữa trùng khơi, mới đầu nghe có vẻ hơi khó tin, nhưng khi ra thăm đảo, tận mắt chứng kiến những đàn heo béo nịch mới thấy được sự kỳ công, vất vả của những cán bộ, chiến sỹ ở nơi đầu sóng ngón gió, chăm lo đời sống cho đảo.
Ở đảo An Bang, lợn, gà, vịt được đưa vào khu chăn nuôi tập trung. Trong đó, lợn chiếm phần lớn diện tích. Tại đây, lợn được chia thành từng chuồng khác nhau, từ lợn con, lợn nái, lợn sinh sản… Phía ngoài cửa chuồng có gắn biển tên từng loại lợn và cân nặng. Trong đó, chuồng lợn nái lớn nhất với cân nặng 120-160kg/con.
[Bài 2: ‘Bầu sữa quý’ giữa trùng khơi giúp Trường Sa thay da đổi thịt]
Không chỉ tăng gia sản xuất hiệu quả, góp phần cải thiện từng bữa ăn cho cán bộ, chiến sỹ, nhiều đảo ở Trường Sa còn hỗ trợ được cho ngư dân ở trên biển. Đơn cử như đảo Sinh Tồn Đông, nhờ tích cực, chủ động tăng gia sản xuất, chăn nuôi, đánh bắt hải sản, năm 2018, bình quân giá trị tăng gia sản xuất đạt 1,355 triệu đồng/người (vượt chỉ tiêu 0,37%). Ngoài đảm bảo đúng đủ tiêu chuẩn cho bộ đội, đảo còn cấp nước ngọt và ủng hộ rau xanh cho ngư dân đánh bắt hải trên ngư trường.
Tại đảo chìm Đá Đông C, dù địa hình khó khăn, “ngôi nhà” của bộ đội nhỏ nhoi giữa mênh mông biển nước, song cán bộ chiến sỹ trên đảo vẫn có cách chăn nuôi riêng để cải thiện từng bữa ăn. Những con vịt nhà được đưa ra đảo khi mới được 1 tháng tuổi bơi tung tăng giữa biển khơi được ‘huấn luyện’ để thích nghi với thời tiết.
Riêng đàn lợn được đảo ưu tiên ở một góc kín gió và thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ. Vào mùa biển động, các chiến sỹ sẵn sàng di chuyển lợn lên tận phòng ngủ để tránh sóng và nước biển tràn lên…
Đảo trưởng đảo Đá Đông C Trịnh Thế Hải cho biết, ở đây, mọi người đều tham gia chăn nuôi. Cứ làm rồi thành quen. Cũng bởi thế nên giờ đây, ai cũng có “kinh nghiệm đầy mình” về phương pháp chăn nuôi lợn, chó và các loại gia cầm.
Từ việc chủ động chăn nuôi, trồng trọt nhằm củng cố chất lượng các bữa ăn trong điều kiện khá khó khăn cho thấy tính sáng tạo và năng động của các chiến sỹ hải quân Trường Sa. Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, những người lính Cụ Hồ đã và đang chinh phục, vượt qua thử thách trong cuộc sống, trong lao động và chiến đấu.
Hơn tất cả, việc tăng gia, trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản để đảm bảo đời sống của quân, dân trên đảo như là sự khẳng định ý chí, khao khát tự vươn lên vượt qua những khó khăn, thách thức. Các thế hệ người Việt tiếp nối nhau sinh ra, lớn lên, là minh chứng cho sự trường tồn trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.../.
Bài 5: ‘Chở’ Luật… ra khơi, giúp ngư dân vững tin bám biển