Khẳng định sẽ rà soát tất cả các đối tượng liên quan tới Việt Nam trong "Hồ sơ Panama," nhưng đại diện Tổng cục Thuế cũng cho rằng, đây là quá trình đòi hỏi chuyên môn phức tạp và không thể "ngày một ngày hai."
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh những dữ liệu trong "Hồ sơ Panama" đã công bố thời gian gần đây là "kênh thông tin tham khảo" và có thể kéo dài thêm trong thời gian tới.
Có trong tay danh sách của 189 cá nhân, tổ chức có liên quan tới Việt Nam hiện tại, ông Phụng tiết lộ, việc đầu tiên của ngành thuế là phải rà soát tên người đó với tên trong dữ liệu quản lý thuế của cơ quan chức năng. Ông Phụng cũng lưu ý, đây là "những cái tên không dấu" bởi vậy ngành thuế sẽ phải đối chiếu xem tìm được bao nhiêu tên.
Bước thứ hai của ngành thuế là rà soát những địa chỉ trong hồ sơ có thực hay không. Từ đó, cơ quan chức năng còn phải xem xét đối tượng nắm giữ bao nhiêu doanh nghiệp liên quan. Từ những doanh nghiệp này, câu hỏi đặt ra là ai nắm vốn chủ sở hữu...
Đây là bài toán theo đại diện Tổng cục Thuế có liên quan tới nhau và muốn tìm được phải có dữ liệu liên ngành. Điều này cũng đồng nghĩa, "không thể ngày một ngày hai kiểm tra được."
Trước những thông tin về việc một số địa chỉ Việt Nam trong "Hồ sơ Panama" không có thực, lãnh đạo ngành thuế khẳng định sẽ rà soát tất cả đối tượng. Tuy vậy, ông cũng thẳng thắn, nếu cá nhân đăng ký mã số thuế thì có thể tìm ra còn không thì cần thêm thông tin của các cơ quan chức năng khác.
"Đây là quá trình đòi hỏi chuyên môn phức tạp, phải có thời gian, nhân lực, công cụ, phương tiện," ông Nguyễn Văn Phụng lên tiếng.
Tuy vậy, ông Phụng cũng nhấn mạnh quan điểm, có thể nghi ngờ những cá nhân có tên trong "Hồ sơ Panama" nhưng "đừng kết luận." Việc rà soát theo ông có thể làm nhưng "có ra được kết quả hay không lại là việc khác."
Theo ông, pháp luật cho phép mọi người thực hiện các giao dịch kinh doanh. Ông lấy ví dụ như việc một người ra nước ngoài tiêu tiền qua thẻ tín dụng mà đối tác là những cá nhân, tổ chức có tên trong "Hồ sơ Panama" thì đương nhiên giao dịch đó cũng được ghi lại.
Bởi vậy, ông cho rằng, không phải cứ có tên trong danh sách trên mà quy kết ngay. Còn với những người vi phạm, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định sẽ xử lý đúng với pháp luật.
Trước đó, ngày 9/5, Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã đăng tải dữ liệu chi tiết về hơn 200.000 công ty nước ngoài bí mật trong "Hồ sơ Panama" do công ty luật Mossack Fonseca thành lập và điều hành. Dữ liệu được công bố tiết lộ tổng cộng hơn 360.000 cái tên của các cá nhân và tổ chức đứng sau các công ty vỏ bọc nặc danh.
Theo các tài liệu này, Mossack Fonseca đã giúp khoảng 140 chính trị gia cùng nhiều ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế. Số tài liệu này ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty Mossack Fonseca trong suốt 40 năm qua và đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay.
Liên quan tới Việt Nam, hồ sơ cũng nhắc tên 19 công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài. Những công ty này chủ yếu được đặt tại Quần đảo British Virgin thuộc Anh. Ngoài ra, danh sách cũng công bố 185 địa chỉ tại Việt Nam. Đặc biệt, hồ sơ cũng đề cập đến 189 cá nhân, những cái tên được nhắc tới trong danh sách bao gồm cả tên người Việt Nam và nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus trước đó, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, đây là vụ việc liên quan tới nhiều cơ quan và ngành thuế chỉ là một trong số này. Lãnh đạo ngành thuế cũng cho biết đã phân công một tổ công tác để kiểm tra thông tin có liên quan trong vụ việc./.
Bài 5: “Nhận thức về trốn thuế, rửa tiền chưa thực sự được coi trọng"