Sự kiện trong nước 9-15/5: "Nóng" vụ người Việt trong Hồ sơ Panama

Những thông tin về cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong "Hồ sơ Panama" và Đại sứ các nước thám hiểm hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

"Nóng" vụ người Việt trong "Hồ sơ Panama" và Đại sứ các nước thám hiểm hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 9-15/5:

Lập 7 đoàn thanh tra xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ban hành Kế hoạch số 16-KH/BCĐTW về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Theo Kế hoạch, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào các nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng; Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế của các cơ quan, đơn vị chức năng ở một số địa phương; việc thi hành án phần thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác tham mưu, đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế của ban nội chính tỉnh ủy.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát do 7 đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn để kiểm tra, giám sát Ban Thường vụ các tỉnh ủy: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Phú Thọ, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Hậu Giang, Bến Tre.

Mốc thời gian kiểm tra, giám sát từ 1/1/2011 đến 30/6/2016 và các vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng xảy ra trước ngày 1/1/2011 nhưng có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Sự kiện trong nước 9-15/5: "Nóng" vụ người Việt trong Hồ sơ Panama ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Sonla.gov.vn)

Xem thêm: Lập 7 đoàn thanh tra xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng

VEPR: Mục tiêu năm 2016 tăng trưởng kinh tế 6,7% là ít khả thi
“Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cho năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được. Chỉ trong trường hợp có những nỗ lực cải cách đột phá của Chính phủ mới mang lại hiệu ứng kích thích mạnh mẽ tâm lý người tiêu dùng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư (cả trong khu vực tư nhân lẫn nước ngoài), thì tăng trưởng mới có thể đạt trên 6,5% và hướng tới mục tiêu của Quốc hội.”

Dự báo trên được đưa ra từ Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016, chủ đề “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Đại sứ quán Australia thực hiện.

Tại buổi công bố Báo cáo, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, mặc dù có những yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng trong trung hạn, song trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam khó có khả năng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao khi những nền tảng cho tăng trưởng chưa được thiết lập chắc chắn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực từ môi trường xung quanh, khi các nền kinh tế mới nổi trong khu vực đang đối mặt với những thách thức suy giảm của hoạt động sản xuất.

Về mặt bằng giá, Báo cáo đưa ra dự báo lạm phát chung cả năm sẽ quanh mức 5%, với kịch bản thận trọng hơn thì lạm phát có thể ở mức 4,2%.

Ông Thành tiếp tục nhấn mạnh, năm 2016 có một đặc điểm quan trọng, đánh dấu những mốc hội nhập lớn của Việt Nam, đi kèm với một giai đoạn tăng trưởng mới của nền kinh tế với nhiều khó khăn và thách thức.

Trong khi đó, giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno đánh giá, Việt Nam hiện mới chỉ đang ở giai đoạn đầu tiên và nỗ lực bước sang giai đoạn thứ hai của quá trình công nghiệp hóa. Việt Nam cần phải thực hiện thành công ba chính sách quan trọng để phát triển bền vững, bao gồm sáng tạo giá trị nội taị, đối phó những vấn đề xã hội mới phát sinh từ quá trình tăng trưởng nhanh và điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả trong quá trình hội nhập tài chính.

Sự kiện trong nước 9-15/5: "Nóng" vụ người Việt trong Hồ sơ Panama ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: VEPR: Mục tiêu năm 2016 tăng trưởng kinh tế 6,7% là ít khả thi

"Nóng" vụ thông tin người Việt trong Hồ sơ Panama
Dữ liệu "Hồ sơ Panama" vừa được công bố tối 9/5 đã chỉ rõ từng cá nhân, doanh nghiệp có liên quan tới vụ việc này trong đó riêng tại Việt Nam có khoảng gần 200 người.

Cụ thể, đối với Việt Nam, dữ liệu vừa công bố, cho thấy có 19 công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài. Những công ty này chủ yếu được đặt tại Quần đảo British Virgin thuộc Anh. Ngoài ra, danh sách cũng công bố 185 địa chỉ tại Việt Nam.

Đặc biệt, hồ sơ cũng đề cập đến 189 cá nhân có liên quan tới Việt Nam. Những cái tên được nhắc tới trong danh sách bao gồm cả tên người Việt Nam và nước ngoài.

Để tra cứu dữ liệu mới cập nhật về các công ty vỏ bọc, người dùng có thể truy cập vào trang web https://offshoreleaks.icij.org của Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ).

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus sáng 10/5, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, đây là vụ việc liên quan tới nhiều cơ quan và ngành thuế chỉ là một trong số này. Chưa nói cụ thể nhưng lãnh đạo ngành thuế khẳng định sẽ cho cơ quan chức năng kiểm tra thông tin trên và sẽ có báo cáo.

Nói về thông tin đang thu hút dư luận này, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh sẽ là thiếu cơ sở nếu chỉ đọc thông tin trong vụ "Hồ sơ Panama" để kết luận những người được nhắc tên là rửa tiền.

Ông cho rằng, khẳng định hành vi rửa tiền hay trốn thuế của các cá nhân được nhắc tên thì cần phải căn cứ vào pháp luật của nước có công ty mẹ quy định như thế nào về hoạt động của công ty mẹ và công ty con.

Về vụ việc này, ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thông tin của Hồ sơ Panama có tên của một số cá nhân, tổ chức Việt Nam, tuy nhiên chưa có các thông tin cụ thể về hoạt động cũng như giao dịch của các tổ chức, cá nhân này.

Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền khẳng định, hiện nay, các văn bản về quản lý ngoại hối đã có đầy đủ các quy định về giao dịch thanh toán, chuyển tiền vào và ra khỏi Việt Nam đối với các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, mở tài khoản ở nước ngoài...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giao các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, theo dõi thông tin liên quan đến vụ việc này. Trong phạm vi quyền hạn của mình, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xử lý theo đúng chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luật./.

Sự kiện trong nước 9-15/5: "Nóng" vụ người Việt trong Hồ sơ Panama ảnh 3Công ty Việt trong "Hồ sơ Panama" chủ yếu đặt tại Quần đảo British Virgin thuộc Anh. (Ảnh: offshoreleaks.icij.org)

Xem thêm: Ngành thuế sẽ kiểm tra thông tin người Việt trong "Hồ sơ Panama"

"Doanh nghiệp phải đảm bảo lợi nhuận hài hòa với môi trường"
“Hiện nay, cả nước có 299 khu công nghiệp, 15 khu kinh tế biển, 12 nhiệt điện than (và có thể có thêm nhiều cái nữa trong tương lai), chưa kể nguồn thải nông nghiệp, sinh hoạt. Chất thải tuồn ra sông rồi ra biển... Nếu không kiểm soát được ô nhiễm thì sông và biển sẽ chết!”

Trên đây là một trong những cảnh báo vừa được ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên đưa ra tại cuộc Tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” diễn ra ngày 10/5, tại Hà Nội.

Chia sẻ thêm tại buổi tọa đàm, ông Nguyên cho rằng, những năm qua, hàng loạt vụ xả thải từng được phát giác của các công ty như Vedan, Hào Dương, Tung Kuang, PangRim Neotex... ít nhiều đã đặt ra những dấu hỏi về sự bất cập, hạn chế của các chính sách cũng như tình hình thực thi về quản lý, giám sát ô nhiễm công nghiệp.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Cộng đồng cho rằng, việc cá chết hàng loạt ở sông và biển là hồi chuông cảnh tình đối với Việt Nam. Theo bà Lý, vấn đề biển ở miền Trung không phải chỉ vấn đề con cá chết, mà còn các vấn đề các ngành ăn theo như ngư nghiệp không tìm được lối thoát rồi ngành du lịch...

“Cho đến nay, chúng ta có cả một hệ thống về luật cũng như các công cụ rồi các cơ quan chức năng đầu ngành về kiểm soát, giám sát trong vấn đề bảo vệ môi trường nhưng tại sao vẫn để doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm đến mức phải gọi là thảm họa?"

"Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải đặt câu hỏi về chất lượng và tính thực thi của hệ thống luật này. Ngoài ra, để bảo vệ môi trường lâu dài, chúng ta cũng cần cải cách toàn diện và rà soát lại hệ thống luật,” bà Lý nói./.

Sự kiện trong nước 9-15/5: "Nóng" vụ người Việt trong Hồ sơ Panama ảnh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: "Doanh nghiệp phải đảm bảo lợi nhuận hài hòa với môi trường"

Xuất khẩu dệt may và da giày đạt giá trị trên 10 tỷ USD
Trong bốn tháng đầu năm nay, hai ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực là dệt may và da giày đã đem về giá trị xuất khẩu trên 10,5 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc tháng Tư ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng hơn 5% so với cùng kỳ. Tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc đạt gần 7 tỷ USD, tăng hơn 6% so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), các đơn hàng vẫn tập trung vào một số thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy kim ngạch xuất khẩu của ngành có tăng nhưng giá đơn hàng không tăng.

Lý giải về vấn đề này, đại diện Vitas cho rằng là do giá xăng dầu giảm - một trong những yếu tố tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng giá dầu giảm xuống, khiến giá cả một số thị trường cũng giảm nhất định, như vậy cùng lượng hàng xuất đi, nhưng giá trị thu về không tăng. Giá dầu cũng ảnh hưởng đến đầu vào như sơ sợi, giá bông đang tương đối thấp, mà giá thành khách hàng đặt cũng không cao so với mọi năm, thập chí giảm hơn chút ít.

Theo Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 2, thậm chí với một số doanh nghiệp, lịch sản xuất đã lên kín đến cuối năm và đây là tín hiệu lạc quan để ngành dệt may đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm nay. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành da giày đã có đơn hàng xuất khẩu ổn định đến tháng 5-6 và đang chuẩn bị cho mùa sản xuất mới./.

Sự kiện trong nước 9-15/5: "Nóng" vụ người Việt trong Hồ sơ Panama ảnh 5Dây chuyền may hàng xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xem thêm: Xuất khẩu dệt may và da giày đạt giá trị trên 10 tỷ USD

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng
Trước thông tin Thái Lan chuẩn bị tung bán ra thị trường trên 11 triệu tấn gạo dự trữ với giá rẻ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố Cần Thơ cho biết không lo ngại về thông tin này và gạo Thái Lan có tung ra thị trường cũng không làm ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch ​Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gentraco (Cần Thơ), cho biết đã nghe thông tin Thái Lan sẽ tung ra thị trường bán gạo dự trữ trên 11 triệu tấn nhưng trong số gạo nói trên có đến hơn 80% sản lượng bán ra để phục vụ cho công nghệ thực phẩm, công nghệ chế biến, số còn lại là gạo nguyên liệu với số lượng rất ít nên không đáng lo ngại về việc cạnh tranh với các sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu gạo Trung An, thành phố Cần Thơ nếu Thái Lan tung gạo ra bán trên thị trường với sản lượng trên 11 triệu tấn thì ít nhiều có ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng gì đến thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bởi gạo của Thái Lan là gạo cũ, phẩm chất thấp, chỉ bán được ở một số thị trường các nước nghèo như châu Phi hoặc bán cho các tổ chức viện trợ gạo nhân đạo hoặc dùng để chế biến thực phẩm.

Trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo mới, gạo chất lượng cao, gạo đặc sản được xuất khẩu ở tất cả các thị trường trên thế giới và đã có thị trường ổn định.

"Mặt khác, trước tình hình hạn hán ở nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có Việt Nam thì nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới trong năm nay và những năm tới sẽ tiếp tục tăng do nhiều quốc gia bị mất mùa, giảm sản lượng. Cho nên dù Thái Lan có tung ra bán tháo gạo giá rẻ cũng không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Khả năng Việt Nam năm nay sẽ xuất khẩu đạt 7 triệu tấn gạo là hoàn toàn khả thi," ông Phạm Thái Bình nhận định như vậy.

Sự kiện trong nước 9-15/5: "Nóng" vụ người Việt trong Hồ sơ Panama ảnh 6Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/ TTXVN)

Xem thêm: Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng

Chưa có trường hợp nghi nhiễm Zika tại nơi bệnh nhân Hàn Quốc cư ngụ
Liên quan đến trường hợp một bệnh nhân nữ người Hàn Quốc bị nhiễm virus Zika sau khi trở về nước từ Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết qua điều tra, cơ quan chức năng chưa phát hiện những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika trong vòng một tháng qua tại nơi ở và nơi làm việc của bệnh nhân này ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong thời gian từ ngày 10-30/4, bệnh nhân này làm việc tại Trường Quốc tế Hàn Quốc tại phường Tân Phú, quận 7 và tạm trú tại Khu đô thị Sky Garden 2, Phú Mỹ Hưng, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, bệnh nhân có bị muỗi đốt và đến ngày 28/4 có biểu hiện phát ban.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) về trường hợp này, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng quận 7 tiến hành điều tra dịch tễ và môi trường tại nơi làm việc và nơi cư ngụ của bệnh nhân.

Kết quả điều tra, giám sát cũng cho thấy tại nơi làm việc và nơi ở của bệnh nhân này không có loăng quăng trong các vật chứa nước và chưa phát hiện có muỗi, môi trường thoáng đãng, sạch sẽ.

Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng quận 7 triển khai các biện pháp chống dịch tại hai địa điểm trên theo hướng dẫn của Bộ Y tế như diệt muỗi, diệt loăng quăng, truyền thông phòng chống dịch bệnh và tiếp tục giám sát phát hiện sớm các ca mắc mới... Đồng thời, tiếp tục điều tra dịch tễ tại các nơi bệnh nhân hay lui tới và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại những nơi này.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Hàn Quốc xác định các thông tin liên quan khác để hỗ trợ quá trình điều tra, xác minh ổ dịch tại Việt Nam.

Sự kiện trong nước 9-15/5: "Nóng" vụ người Việt trong Hồ sơ Panama ảnh 7Phun thuốc diệt muỗi phòng chống lây truyền virus Zika và dịch sốt xuất huyết. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Chưa có trường hợp nghi nhiễm Zika tại nơi bệnh nhân Hàn Quốc cư ngụ

Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu hướng tới là đáp ứng các yêu cầu phát triển, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong Vùng; đảm bảo phân bổ nguồn lực quốc gia có hiệu quả; hạn chế những mặt trái của quá trình đô thị hóa đến môi trường sống, tác động của biến đổi khí hậu nhằm xây dựng Vùng phát triển thịnh vượng và có môi trường bền vững.

Đồng thời, đáp ứng nhu cầu xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Vùng, tạo điều kiện cho các đô thị tiếp tục phát huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế, văn hóa​-xã hội; phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn; bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Việc điều chỉnh quy hoạch cũng làm cơ sở cho lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng dọc tuyến đường vành đai, cao tốc liên tỉnh, các vùng và khu chức năng đặc thù, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; là cơ sở lập dữ liệu phục vụ công tác quản lý, đề xuất cơ chế chính sách và mô hình quản lý Vùng.

Phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang (trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng so với Quyết định số 490/2008/QĐ-TTg ngày 5/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7 km2.

Trên cơ sở vị trí, vai trò, điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội, các tỉnh trong Vùng tạo thành các mối liên kết với những đặc trưng và lợi thế riêng, chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển để khai thác tối đa và hiệu quả các tiềm năng, động lực của các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của từng tỉnh và toàn Vùng.

Hà Nội với vị thế Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ phát huy vai trò là trung tâm động lực chính trong liên kết vùng.

Sự kiện trong nước 9-15/5: "Nóng" vụ người Việt trong Hồ sơ Panama ảnh 8Cầu Vĩnh Tuy. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Xem thêm: Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030

Đại sứ các nước thám hiểm hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng
Sáng 11/5, đoàn đại sứ các nước Argentina, Thụy Điển, Italy, Anh, Australia, Séc, đại diện UNESCO tại Việt Nam và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã tới Quảng Bình để tham gia chương trình “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới.”

Đoàn do Đại sứ Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn đầu; tham gia cùng đoàn còn có Á hậu Dương Trương Thiên Lý.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình bày tỏ hy vọng qua chuyến đi lần này các đại sứ sẽ góp thêm tiếng nói giúp Quảng Bình trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch cũng như giới thiệu, kêu gọi các nhà đầu tư du lịch đến với tỉnh...

Bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ: "Tôi chỉ biết Sơn Đoòng qua thông tin truyền thông và rất muốn một lần được đến thăm. Vì vậy, được tham gia chương trình 'Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới' là một điều rất thú vị đối với tôi. Tôi ấn tượng với công tác gìn giữ và khai thác Di sản thiên nhiên Thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng của tỉnh Quảng Bình. Điều thể hiện rõ nhất là việc tỉnh Quảng Bình đã không chạy theo lợi nhuận, hạn chế số lượng du khách, hạn chế sự tác động của con người đến hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng..."

Ông Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: "Tôi rất ấn tượng với cảnh quan, cách tổ chức du lịch và con người ở Quảng Bình. Vì vậy, được chinh phục hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng sẽ là một trong những việc làm đáng nhớ trong nhiệm kỳ đại sứ của tôi ở Việt Nam…"

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đang vươn lên trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Năm 2015, Quảng Bình đã đón xấp xỉ 3 triệu lượt du khách; dự kiến năm 2016 con số này sẽ đạt khoảng 3,5 triệu lượt người.

Sự kiện trong nước 9-15/5: "Nóng" vụ người Việt trong Hồ sơ Panama ảnh 9Ánh nắng ở Vườn Edam trong hang Sơn Đoòng. (Ảnh: Ryan Deboodt)

Xem thêm: Đại sứ các nước thám hiểm hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng

Vụ cá chết hàng loạt: Xoáy vào nguyên nhân độc tố học và tảo độc
Chiều 14/5, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã trả lời phỏng vấn báo chí về hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt vừa qua tại 4 tỉnh miền Trung.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần xuyên suốt là đảm bảo khẩn trương, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, có kết luận độc lập, khách quan với đầy đủ căn cứ khoa học thuyết phục, không bao che cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu vi phạm.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức đoàn công tác liên ngành gồm các nhà khoa học của các Viện nghiên cứu liên quan đi khảo sát thực địa tại vùng biển 04 tỉnh miền Trung để tổng hợp thông tin, lấy mẫu và tiến hành phân tích mẫu để đánh giá hiện tượng và tìm hiểu nguyên nhân.

Căn cứ vào diễn biến kết quả thu được của các nhóm nghiên cứu, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các Bộ ngành, tổ chức khoa học và ông nghệ có liên quan họp thống nhất và ra quyết định thành lập Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ quốc gia với 3 Tổ chuyên gia tập trung vào nghiên cứu các nhóm tác nhân (1) hóa học, (2) sinh học và nhóm (3) khí tượng, thủy văn và động lực học biển để phân tích đối chứng, so sánh, bổ sung căn cứ, đánh giá chéo và độc lập nhằm đi đến các kết luận đủ căn cứ khoa học; thành lập Tổ công tác hiện trường thường trực tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; thành lập Tổ công tác điều phối, hỗ trợ để thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, làm việc với các Bộ, ngành và Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng chuyên gia hoa học và Công nghệ quốc gia cũng đã mời một số chuyên gia khoa học nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) có kinh nghiệm tham gia phối hợp xác định nguyên nhân của hiện tượng nêu trên.

Bằng sự nỗ lực vào cuộc không kể ngày đêm của các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học liên ngành như: hải dương học, địa chấn thủy văn, động học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái, viễn thám, kỹ thuật hạt nhân…, tính đến thời điểm ngày 26/4/2016 các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh... và khu trú tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chính độc tố học và tảo độc.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang nỗ lực cùng với Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ và các Bộ, ngành liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng sớm nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhân dân./.

Sự kiện trong nước 9-15/5: "Nóng" vụ người Việt trong Hồ sơ Panama ảnh 10Cơ quan chức năng lấy mẫu tìm nguyên nhân cá chết trên biển. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Xem thêm: Vụ cá chết hàng loạt: Xoáy vào nguyên nhân độc tố học và tảo độc

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục