Bỗng dưng thất nghiệp sau hàng chục năm công tác, hầu hết những cựu cán bộ dân số cấp xã tại Thạch Thất đã trắng tay khi trở lại đời thường. Không trợ cấp, không hỗ trợ, họ đối mặt với nguy cơ đói nghèo, con cái thất học.
Hơn lúc nào hết, phần nhiều trong số 20 con người đang phải đối diện với những khủng hoảng, bế tắc khó có thể giải quyết nếu không có sự quan tâm thực sự từ các cấp có trách nhiệm và thẩm quyền.
[Bài 3: Kỳ tuyển dụng mập mờ: Đang yên lành bỗng thành thất nghiệp]
Trắng tay sau nửa đời cống hiến
Là một trong gần 20 người “bỗng dưng” mất việc sau kỳ tuyển dụng viên chức lạ lùng tại huyện Thạch Thất vào tháng 7/2015 vừa qua, chị Nguyễn Thị Nhài, nguyên cán bộ dân số xã Bình Phú vẫn không thể tin vào những gì đã xảy ra. Ngồi bần thần bên trái nhà loang láng nắng, người đàn bà 51 tuổi cứ thở dài không thôi. Đôi mắt trũng sâu đăm đăm nhìn ra khoảng vườn nhỏ phía trước…
Chị nghẹn ngào: "Cái cách mà người ta hất văng chị ra, không cho chị tham gia tuyển dụng rồi đột nhiên thôi lương sau gần 30 năm cống hiến giống như hắt nước đổ đi."
Nói rồi, chị khóc. Tiếng khóc ri rỉ, uất ức như những uẩn ức chưa phút nào nguôi trong người phụ nữ ấy.
Từng có bằng trung cấp y tế, từng làm công tác dân số cho xã đã gần 30 năm với đồng lương còm cõi, không hợp đồng lao động, không bảo hiểm, người phụ nữ khốn khổ xã Bình Phú phải chịu cảnh “tay trắng về vườn” ở tuổi 51 sau công văn chính thức chấm dứt trả lương được Trung tâm dân số huyện Thạch Thất ban hành đầu tháng 10/2015.
Gia đình chị Nhài hiện tại không khó khăn, cuộc sống kỳ thực không quá đảo lộn sau khi bị thôi việc, nhưng trong người phụ nữ này, đa phần là nỗi hụt hẫng, ấm ức mà phải ai ngồi nghe lại chuyện đời chị mới rõ được.
Năm 1994, chồng chị qua đời sau một tai nạn, để lại chị với 2 đứa con thơ.
“Lúc khổ nhất thì chết, lúc đói nhất thì chết”.
Chị Nhài tỏ ra bình thản khi nói về người chồng đã mất, nhưng vừa dứt câu, chị quăng mạnh con dao gọt xuống mặt sàn đá hoa, tiếp tục đan chiếc quạt nan bằng đôi tay thoăn thoắt. Những ấm ức xưa dường như ùa về rồi lại biến mất chỉ trong nháy mắt.
Một mình xoay sở với dăm đồng lương cán bộ chuyên trách dân số và nghề đan lát, đã có lúc chị lâm vào cảnh nợ nần ngập cổ, các con đôi khi không dám đến trường vì tự ti. Vượt qua những năm tháng khó khăn, bà mẹ đơn thân xã Bình Phú đã đưa được các con tới cánh cổng trường đại học và trả hết nợ nần. Ai gặp chị Nhài cũng đều tấm tắc nể phục người phụ nữ sắc sảo, đảm đang ấy.
“Lương cán bộ dân số thì đáng bao nhiêu, nhưng mà vì quen, vì thích mới theo đuổi đến chừng này, với cả cũng cố phấn đấu được cái viên chức về sau cho nó ổn định”. Chị Nhài thật thà tâm sự, đôi mắt trĩu nặng vẫn chăm chú vào chiếc quạt nan đan dở.
Thực tế, khi con cái đã học hành đàng hoàng, dựng vợ gả chồng đầy đủ, đối với chị đồng lương cán bộ cũng chẳng còn quá ảnh hưởng đến tình trạng kinh tế của chị. Nhưng sau 30 năm cống hiến, không nhớ nổi bao ca đỡ đẻ, bao lần trực đêm trực hôm bỏ 2 con thơ ở nhà trông nhau, chị không dám tin những gì đã xảy đến với mình, không dám tin vào sự phũ phàng từ cơ quan đoàn thể mình từng cống hiến cả tuổi xuân.
Chị Nhài khẽ tay đẩy đứa cháu trai khỏi con dao và mớ nan tre, dừng đan, mặt cúi xuống trong vài giây và khẽ nói: “Đến lúc này, chẳng biết nói gì nữa, cảm giác như bị bỏ rơi…”
Những cảnh đời khốn khổ
Không có được tình trạng kinh tế ổn định như chị Nhài, hầu hết các cựu cán bộ chuyên trách dân số cấp xã của huyện Thạch Thất đều đối mặt với vô vàn những khó khăn khi bị hất ra khỏi công việc của mình.
Bùi Thị Hương, năm nay 30 tuổi, nhưng người ngoài luôn nghĩ chị già hơn thế. Từ vài tháng nay, những nét khắc khổ càng hằn sâu hơn vào khuôn mặt người phụ nữ hai con xã Cần Kiệm ấy.
Công tác 6 năm trong ngành dân số, Hương hăm hở tham gia vào kỳ tuyển dụng viên chức tháng 7 vừa qua tại Thạch Thất với hy vọng có được một vị trí ổn định hơn trong cơ quan Nhà nước. Thế nhưng, tất cả đều sụp đổ khi chị, cũng giống như nhiều đồng nghiệp, không thể vượt qua bài kiểm tra viết kỳ lạ. Hương chính thức gia nhập vào đội quân bỗng dưng thất nghiệp của Thạch Thất.
“Nhà thì mới cất xong, nợ nần khắp nơi, chồng tôi đi làm xây dựng được ngày nào hay ngày nấy, 2 cháu thì còn nhỏ, lương tôi dù không cao nhưng cũng đỡ được phần nào,” chị Hương nức nở.
Chị Hương hồi tưởng, những năm tháng làm trong ngành dân số địa phương, chị từng phải bán xe, vay mượn khắp nơi, phải bán nước vỉa hè để theo học Trung cấp dược nhằm đáp ứng được tiêu chuẩn tham dự thi tuyển viên chức.
Rồi căn nhà anh chị và 2 con nhỏ đang trú ngụ gần như sắp sập, chị lại phải vay mượn tứ phương mới cất được mái nhà. Biến cố mất việc đến với chị đúng vào giai đoạn khó khăn nhất.
Hy vọng về một chân viên chức ổn định tan biến, cựu cán bộ chuyên trách dân số trẻ cũng phải nói lời tạm biệt với công việc mà chị rất đỗi yêu thích.
“Nghề này phải đi sớm về khuya, người ta rời ruộng, dắt trâu về mình phải buông bát cơm sang nhà vận động. Những ngày đầu, thấy mình sang vận động kế hoạch hóa gia đình, họ ghét, còn thả chó ra đuổi. Đến sau, mình làm quen, người trong thôn ai cũng quý,” chị Hương trải lòng về một kỷ niệm vui trong những năm tháng làm nghề.
Dứt lời, Hương cúi xuống xoa đầu đứa con gái nhỏ, kể lại kỷ niệm mới đấy thôi nhưng đáng nhớ nhất: “Ngày tôi biết tin đứa thứ 2 là gái, lo lắm, 2 con vịt giời rồi, sợ chồng, sợ nhà chồng, nhưng là cán bộ dân số phải nghiêm chỉnh, sao dám có đứa thứ 3. May quá, chồng cũng tâm lý, vỗ về và nói: Con nào chẳng là con nên mới dám giữ.”
Cũng có hoàn cảnh đáng thương không kém là chị Khuất Thị Chiều ở xã Cẩm Yên. Ngày 25/7/2015, Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất tổ chức xét tuyển viên chức. Chị Chiều tuy không đỗ, nhưng là một trong những người thuộc diện xã không có người trúng tuyển. Tuy nhiên, bất chấp quy định, chị không được Ủy ban Nhân dân huyện tái ký hợp đồng để tiếp tục làm việc do…chưa rút đơn khiếu nại.
Không dừng lại ở đó, đúng vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chị Chiều bàng hoàng khi nhận công văn số 46/CV-TTDS huyện Thạch Thất thông báo thôi trả lương bắt đầu từ ngày 01/11/2015.
Cuộc sống của người phụ nữ có tiền sử bệnh tim lâm vào đường cùng. Gia đình chị Chiều thuộc trường hợp nghèo đặc biệt ở xã Cẩm Yên. Chồng chị bị tai nạn lao động gần 15 năm nay, sức khỏe chỉ còn 49%. Hai con còn nhỏ đang đi học.
“Tôi vẫn xác định cuộc sống của mình nghèo thế rồi nhưng dù sao cũng ổn định, có chút thu nhập dù không cao, có công việc mà mình gắn bó và tâm huyết. Thế mà lại xảy ra cơ sự thế này. Từ ngày nghỉ việc ở nhà, các con cứ hỏi ‘Sao mẹ không đi làm?’, tôi còn chưa biết trả lời với chúng nó như thế nào!” Người phụ nữ gầy gò, xanh xao nói trong nước mắt.
Để cải thiện cuộc sống, anh chị đã phải nhận đồ về may gia công. Ngày nào làm đủ thì được 50.000 đồng, nhưng việc cũng không đều đặn. Gánh nặng của cả gia đình giờ đang dồn hết vào đôi vai mỏng manh của chị.
Hơn lúc nào hết, cuốc sống của gần 20 con người đang phải đối diện với những khủng hoảng, bế tắc khó có thể giải quyết nếu không có sự quan tâm thực sự từ các cấp có trách nhiệm và thẩm quyền.
Bài 5: [Video] Nghe chuyện đời của những người bỗng dưng mất việc