“Bài ca Đường 9:” Tái hiện những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc

Khán giả sẽ được giao lưu với những chiến sỹ quả cảm góp phần làm nên Chiến thắng Đường 9 Nam Lào hào hùng năm xưa, được thưởng thức những ca khúc đi cùng năm tháng.
“Bài ca Đường 9:” Tái hiện những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc ảnh 1Quân giải phóng Mặt trận Đường 9 khép chặt vòng vây đánh chiếm các vị trí trọng yếu của địch tháng 1/1971. (Nguồn: TTXVN)

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Bài ca Đường 9” diễn ra tối 23/3, tại hai đầu cầu trực tiếp Hà Nội và Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, tái hiện những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc.

Chương trình do báo Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Nhân dân, Đài phát thanh và truyền hình Quảng Trị.

Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện Bộ, ban, ngành, học viên Học viện kỹ thuật quân sự, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sinh viên đến từ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đang theo học tại các trường đại học tại Hà Nội.

Chiến thắng Đường 9-Nam Lào (tháng 3/1971) là sự kiện lịch sử mang tầm chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Bằng chiến thắng này, quân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đập tan âm mưu cắt đứt nguồn chi viện chiến lược từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam, là cơ sở quan trọng làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ-Ngụy tại miền Nam Việt Nam.

Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Khánh nêu rõ nhìn lại chiến thắng Đường 9 Nam Lào để hiểu hơn về sự lớn mạnh, tính chuyên nghiệp, tinh nhuệ của quân đội nhân dân Việt Nam, tinh thần quả cảm và lòng yêu nước vô song của những chiến sỹ giải phóng quân anh hùng.

Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí sắt đá, không khuất phục trước kẻ thù của thế hệ cha anh, đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Tham dự chương trình, khán giả được nghe câu chuyện cảm động về Trung đội "nữ công binh thép" - tên gọi do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho những nữ chiến sỹ trên đèo Phu La Nhích; gặp gỡ, chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên với Thiếu tướng Võ Sở, Nguyên Phó Tư lệnh, Bí thư đảng ủy Binh đoàn Trường Sơn và Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36, nguyên là chiến sỹ lái xe trên Đường 20 quyết thắng.

Khán giả còn được giao lưu với hai Anh hùng lực lượng vũ trang: Trung tướng Phạm Xuân Thệ và Thiếu tướng Lê Mã Lương; trò chuyện cùng Trung tá Lê Quang Lạng, Phó Chủ nhiệm bộ môn kháng chiến chống Mỹ, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam về quyết tâm chiến lược của phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn khi đó nhằm cắt đứt Đường 559, về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và chiến thuật trực thăng vận áp dụng tại chiến dịch này.

Sự xuất hiện của nhiều ca sỹ nổi tiếng cùng các các ca khúc đã đi cùng năm tháng của hai nước Việt-Lào như “Bài ca Đường 9 chiến thắng,” “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây,” “Năm anh em trên chiếc xe tăng,” “Người con gái Pa Ko,” “Cô gái Sầm Nưa,” "Sải Chay Lào Việt..." đan xem giữa các phóng sự, cuộc giao lưu làm không khí chương trình thêm ấm áp, ý nghĩa./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.