Bài viết của Tổng Bí thư: Vượt qua thách thức, xây dựng và phát triển đất nước

Ngoài việc chỉ ra những khó khăn, thách thức, trong bài viết, Tổng Bí thư đã đề ra những chủ trương, đường lối quan trọng để phát huy thuận lợi, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn: TTXVN)

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng."

Thông điệp bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng định hướng, thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, tập trung trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức xây dựng, phát triển nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó Bí thư Chi bộ 2, Đảng bộ phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bố cục 3 phần rất hợp lý.

Phần 1, khái quát và đánh giá lại quá trình ra đời và trưởng thành của Đảng với sứ mệnh lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất giang sơn, đất nước.

Phần 2, Tổng Bí thư đã tổng kết đánh giá toàn diện quá trình xây dựng đất nước.

Phần 3, tóm lược cô đọng những quan điểm nhất quán của Đảng ta từ trước đến nay. Toàn bộ đường lối chiến lược, sách lược của Đảng đã được thể hiện trong bài viết có giá trị như kim chỉ nam trong quá trình phát triển tư duy và hoạt động thực tiễn của Đảng.

Bài viết của Tổng Bí thư đã làm rõ nhiều quan điểm chủ đạo của Đảng ta tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và khẳng định trong bài viết: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa."

Ngoài việc chỉ ra những khó khăn, thách thức, Tổng Bí thư còn đề ra những chủ trương, đường lối quan trọng để phát huy thuận lợi, tận dụng thời cơ để vượt qua thách thức, trong đó giải pháp mang tính quyết định, đó là: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng…”

Để chuẩn bị cho hướng tới Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, ông Nguyễn Xuân Tùng cho rằng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cấp phải gương mẫu, nêu gương sáng để lôi cuốn quần chúng tin và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Đồng thời, các cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ bối cảnh tình hình thế giới, trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn với những kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nhiệm kỳ khóa XIII và mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và năm 2030.

Qua tìm hiểu nội dung bài viết, thạc sỹ Đặng Thanh Hưởng, Phó Trưởng Ban Truyền thông Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng đây là bài viết rất công phu, khoa học, tổng kết một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc và rõ ràng về lịch sử của Đảng ta từ quá trình hình thành, phát triển và thành tựu đạt được trong vai trò là tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ qua.

Bài viết được tổng kết không chỉ từ các mốc lịch sử quan trọng mà còn được đúc rút ở tầm cao trí tuệ, tư duy lý luận, được kiểm nghiệm bằng thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, đây là tác phẩm quan trọng, đã và đang được quán triệt đến các tổ chức cơ sở Đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên.

Đáng chú ý, trong quá trình quán triệt, phổ biến, Tổng Bí thư chỉ ra 5 bài học sâu sắc từ thực tiễn, 5 phương diện bao trùm trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và 5 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới để truyền đạt cho cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ làm và dễ thực hiện tốt, từ đó thống nhất trong tư duy và hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Ấn tượng với phần 3 trong bài viết của Tổng Bí thư, thạc sỹ Đặng Thanh Hưởng cho rằng phần này Tổng Bí thư đã nhấn mạnh việc phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Phần này cũng thể hiện sự chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Qua đó, xác định những bài học kinh nghiệm đó là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy và phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, giúp chúng ta kiên định, vững vàng và tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức mới và nhiệm vụ nặng nề hơn khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Để triển khai tốt đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết của Tổng Bí thư, theo Thạc sỹ Đặng Thanh Hưởng, trước hết cần phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, sâu rộng tới các chi bộ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả gắn với các nhiệm vụ chính trị, công tác lịch sử Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các sự kiện chính trị của đất nước.

Cùng với đó, bảo đảm truyền tải đầy đủ, sâu sắc nội dung bài viết, chân thực, có sức lan tỏa, lôi cuốn đối với mọi tầng lớp nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục