Bám sát diễn biến thị trường, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị bám sát tình hình sản xuất của hai nhà máy và nhập khẩu của các thương nhân, tình hình tiêu thụ xăng dầu để có giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước.

Một điểm bán xăng của Petrolimex. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Một điểm bán xăng của Petrolimex. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đại diện Bộ Công Thương thông tin, tổng nguồn cung xăng dầu từ 2 nguồn nhập khẩu và sản xuất 4 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 7,888 triệu tấn (tương đương khoảng 9,938 triệu m3/tấn xăng dầu các loại), trong đó nhập khẩu chiếm 43,73%, sản xuất trong nước chiếm 56,27%.

Trong khi đó, báo cáo từ các thương nhân cho thấy lượng nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm khoảng 9,2 triệu m3/tấn, đạt 32,35% tổng nguồn tối thiểu phân giao năm 2024. Tiêu thụ xăng dầu các loại đạt khoảng 8,3 triệu m3/tấn, tồn kho ước khoảng 1,8-1,9 triệu tấn/m3 xăng dầu các loại, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Qua thống kê, tổng nguồn cung xăng dầu từ hai nguồn sản xuất và nhập khẩu quý 2/2024 ước khoảng 7,1 triệu tấn, tương đương khoảng 8,875 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, trong đó Petrolimex và PVOIL ước khoảng 4,035 triệu m3/tấn.

Về phía các thương nhân, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước ước thực hiện quý 2 khoảng 6,35 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Ước tiêu thụ quý 2 khoảng 6,3 triệu m3/tấn (bình quân khoảng 2,1 triệu m3/tấn/tháng). Tồn kho xăng dầu khoảng 1,7-1,8 triệu m3/tấn.

“Quý 2, nguồn cung về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới; bám sát tình hình sản xuất của hai nhà máy, tình hình nhập khẩu xăng dầu của các thương nhân và tình hình tiêu thụ xăng dầu trong nước để có giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới,” đại diện cơ quan này cho hay.

Trong 5 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 31/5/2024), giá các mặt hàng xăng dầu trong nước đã qua 22 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng E5RON92 có 11 lần tăng và 11 lần giảm giá, mặt hàng xăng RON95 có 12 lần tăng và 10 lần giảm giá, mặt hàng dầu diesel có 10 lần tăng và 12 lần giảm giá, mặt hàng dầu hỏa có 11 lần tăng và 11 lần giảm giá, và mặt hàng dầu mazut có 15 lần tăng và 7 lần giảm giá.

Giá bán các mặt hàng xăng dầu (theo kỳ điều hành ngày 23/5/2024): xăng E5RON92 không cao hơn 22.277 đồng/lít, xăng RON95-III không cao hơn 23.213 đồng/lít, dầu diesel 0,05S không cao hơn 19.837 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 19.902 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3,5S không cao hơn 17.513 đồng/kg.

So với cùng thời điểm năm 2023 (kỳ điều hành ngày 22/5/2023), giá bán trên thị trường (ngày 23/5/2024) của mặt hàng xăng E5RON92 tăng 1.789 đồng/lít, tương đương tăng 8,73%; mặt hàng xăng RON95-III tăng 1.714 đồng/lít, tương đương tăng 7,97%; mặt hàng dầu diesel 0,05S tăng 1.883 đồng/lít, tương đương tăng 10,49%; mặt hàng dầu hỏa tăng 1.933 đồng/lít, tương đương tăng 10,76%, mặt hàng dầu mazut 180CST 3,5S tăng 2.355 đồng/kg, tương đương tăng 15,54%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.