Ban 389 Hà Nội: Phạt, truy thu thuế hơn 167 tỷ đồng trong tháng Tết

Trong tháng Hai, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã xử phạt, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu lên tới hơn 167,3 tỷ đồng.
Ban 389 Hà Nội: Phạt, truy thu thuế hơn 167 tỷ đồng trong tháng Tết ảnh 1Lực lượng liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, trong tháng Hai, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã xử lý 345 vụ việc liên quan đến hàng cấm hàng lậu, hàng lậu; 128 vụ liên quan đến hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và 900 vụ liên quan đến gian lận thương mại.

Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu lên tới 167,336 tỷ đồng.

[Phó Thủ tướng: Tình trạng buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp]

Đẩy mạnh chống thất thu thuế

Cụ thể hơn, theo ông Chu Xuân Kiên, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội), riêng lực lượng Quản lý thị trường đã phạt hành chính gần 2,9 tỷ đồng. Hàng tịch thu và hàng buộc tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.

Vụ việc mới đây nhất, ngày 20/2, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh ấn phẩm in tại số 15 ngõ 97 đường Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm).

Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng vạn đầu sách các loại gồm sách giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, tiểu thuyết, sách luật… của các nhà xuất bản cùng một số bao bì và bán thành phẩm không rõ nguồn gốc.

Do chủ hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa tại thời điểm kiểm tra nên Đội Quản lý thị trường số 6 đã thu giữ toàn bộ số sách trên để điều tra, xử lý theo quy định.

Cũng theo đại diện Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, trong tháng Hai, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Sở Tài chính, đặc biệt là lực lượng Công an trong việc điều tra xác minh các hoạt động mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm chống thất thu cho ngân sách, chống buôn lậu hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cũng như phối hợp với lực lượng công an kiểm tra xử lý các đơn vị sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, các đơn vị chây ỳ nợ đọng thuế kéo dài.

Kết quả trong tháng, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã xử lý 493 doanh nghiệp vi phạm. Phạt hành chính với số tiền là 38 tỷ 135 triệu đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra là 100 tỷ 745 triệu đồng.

Với sự vào cuộc đồng bộ trên, theo ông Chu Xuân Kiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tháng 2/2019 trên địa bàn Thủ đô cơ bản được kiểm soát.

Đáng chú ý, dù là tháng có nhiều ngày nghỉ Tết Nguyên đán, song hàng hóa phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Đặc biệt là không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

- Số vụ vi phạm trong tháng Hai:

Tăng cường kiểm soát thị trường mùa lễ hội

Cũng theo Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, trong tháng Ba, ngoài việc đấu tranh để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, lực lượng liên ngành thành phố sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, các lực lượng chức năng sẽ triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn tình trạng hàng hóa không đảm bảo an toàn tại các hội chợ hàng Việt, điểm du lịch, khu danh lam, thắng cảnh trên địa bàn Thành phố và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Đây cũng là nội dung quan trọng nằm trong kế hoạch chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường nhằm tập trung mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trong mùa lễ hội.

Kế hoạch này nhấn mạnh đến việc tập trung nắm sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa tiêu dùng. Đồng thời, chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kịp thời xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Tổng cục Quản lý thị trường cũng thông báo số điện thoại đường dây nóng là 094.513.1911 để tiếp nhận các thông tin tố giác về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc; các thông tin phản ánh về đạo đức công vụ của công chức hành pháp.

"Thời gian này các đội quản lý thị trường tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng như kiểm soát chặt việc lưu thông hàng hóa nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tình trạng vận chuyển khó khăn để tăng giá bất hợp lý trong thời gian sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội...," lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết thêm./.

Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội nói về kết quả chống buôn lậu
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.