Ngày 19/7, tại Quảng Bình, Ban Biên tập tin Kinh tế - Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phối hợp cùng với chính quyền huyện Lệ Thủy và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Lễ tri ân Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7.
Đây là sự kiện được Ban Biên tập tin Kinh tế - TTXVN dành nhiều tâm huyết với mong muốn tri ân công lao, sự hy sinh cao cả của các nữ pháo binh Ngư Thủy trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước đồng thời, cũng là dịp để giáo dục thế hệ phóng viên, biên tập viên trẻ về truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất của các thế hệ đi trước.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Thanh Hải, Phó Trưởng ban - Ban biên tập tin Kinh tế TTXVN chia sẻ: "Luôn xác định là những chiến sỹ trên mặt trận thông tin, cùng với chức năng, vai trò là nguồn thông tin chính thống, thực hiện nhiệm vụ thông tin trung thực, khách quan, chống lại các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, mỗi phóng viên, biên tập viên Ban Biên tập tin Kinh tế luôn xác định tinh thần học hỏi, làm việc và cống hiến hết mình vì dòng chảy thông tin của TTXVN."
"Chính tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của các nữ pháo binh Ngư Thủy trong những ngày chiến tranh khói lửa là những tấm gương kiên trung, bất khuất để mỗi cán bộ phóng viên, biên tập viên Ban Biên tập tin Kinh tế học tập và noi theo," ông Hải khẳng định.
Chia sẻ tại lễ tri ân, ông Trần Việt Hùng, Phó Giám đốc BIDV Quảng Bình cho biết: "BIDV phối hợp cùng Ban Biên tập tin Kinh tế - TTXVN và Chính quyền huyện Lệ Thủy trao 81 suất quà trị giá 162 triệu đồng cho 81 nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng. Món quà tuy không lớn nhưng là tấm lòng của cán bộ, nhân viên ngân hàng mong muốn sẽ là một phần nhỏ động viên đời sống tinh thần, vật chất của các đồng chí nữ pháo binh Ngư Thủy."
Cảm ơn sự tri ân của cán bộ, phóng viên, biên tập viên Ban Ban Biên tập tin Kinh tế - TTXVN cũng như cán bộ, nhân viên BIDV, ông Nguyễn Hữu Dĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngư Thủy Trung chia sẻ: "Việc giải quyết chế độ cho các nữ pháo binh hiện còn chưa được quan tâm nên đời sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy huyện cũng đề nghị cấp chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp quan tâm hơn nữa, động viên đời sống tinh thần và vật chất của các chị."
[Photo] Khắc ghi công ơn, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn
Cũng tại lễ tri ân, Ban Biên tập tin Kinh tế - TTXVN đã trao tặng huyện Lệ Thủy bức chân dung Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - người con của mảnh đất Lệ Thủy anh hùng. Đặc biệt, đây là bức ảnh có bút tích của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, được TTXVN trân trọng lưu giữ.
52 năm trước, vào ngày 20/11/1967, Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Bình quyết định thành lập Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy nhằm cùng các lực lượng đánh trả giặc Mỹ đang điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc, đặc biệt là vùng biển Quảng Bình.
Biên chế của đại đội lúc đầu chỉ 37, sau tăng lên 91 cán bộ, chiến sỹ. Điều đặc biệt tất cả các cán bộ, chiến sỹ đều là nữ. Các chị lúc bấy giờ còn trẻ, người nhiều tuổi nhất 27 tuổi, thấp nhất 16 tuổi, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, các chị đã đoàn kết, tương trợ nhau nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật quân sự, vũ khí, thiết bị, kỹ thuật chiến thuật pháo binh… chỉ sau một tháng huấn luyện.
Ngay trận đầu, với 4 khẩu pháo 85 tầm xa, nòng dài, đại đội đã bắn cháy tàu chiến Mỹ số 013. Phát huy chiến công đầu tiên, với truyền thống lính pháo binh "Chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng," đơn vị đã kiên trì bám sát trận địa, gây cho địch nhiều tổn thất.
Năm 1968, các chị đã liên tiếp đánh thắng 4 trận, năm 1972: 4 trận nữa, được Bác Hồ gửi thư khen và tặng huy hiệu. Với thành tích đạt được, trong 10 năm đầu chiến đấu, xây dựng, đại đội đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng 3, 2 Huân chương chiến công hạng nhất và nhiều bằng khen, giấy khen; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng huy hiệu 3 đảm đang và Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Năm 1970, Nhà nước phong tặng cho đại đội danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Sau ngày thống nhất đất nước, các chị chuyển sang nhiệm vụ dân quân thời bình. Năm 1977, đại đội được lệnh giải thể, chị em xuất ngũ, trở về đời thường.
Và dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, sức khỏe, nhất là cho đến nay, 81 chị vẫn chưa được nhận chế độ, chính sách nào nhưng các chị vẫn tiếp tục lao động, sản xuất góp phần xây dựng quê hương./.