Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2015

Năm 2015, kinh tế trong vùng tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn vùng đạt 9,97%, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 triệu đồng.
Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2015 ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và bàn về chăn nuôi đại gia súc vùng Tây Bắc đã được Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức chiều 10/12.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc dự và chỉ đạo hội nghị.


Giữ ổn định an ninh chính trị vùng Tây Bắc

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Bắc, năm 2015, kinh tế trong vùng tiếp tục phát triển, văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, chính trị ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn vùng đạt 9,97%. Thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 triệu đồng so với năm trước.

Công tác dân tộc, quản lý nhà nước về tôn giáo và đấu tranh với các thủ đoạn lợi dụng tôn giáo được tăng cường. Công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trong vùng được thực hiện dân chủ, đúng nguyên tắc. Đại hội đảng bộ các cấp đã lựa chọn được cấp uỷ viên các cấp bảo đảm về chất lượng và cơ cấu.

Ban chỉ đạo Tây Bắc đã chủ động tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình tại các địa phương, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo và xây dựng hệ thống chính trị, kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ giải pháp giải quyết.

Tuy nhiên, kinh tế của vùng vẫn còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều yếu kém. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 14,97%. Chất lượng giáo dục giữa vùng thấp và vùng cao khá rõ. Chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến huyện, xã chưa đáp ứng được yêu cầu. An ninh trật tự, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma tuý còn diễn biến phức tạp. Di cư tự do vẫn còn tiếp diễn.

Ghi nhận kết quả đạt được của các địa phương trong vùng Tây Bắc trong năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ kết quả quan trọng nhất của năm 2015 là Đại hội đảng bộ các cấp thành công, bộ máy mới ổn định, trẻ trung, nhiệt tình, trách nhiệm, đoàn kết nội bộ, điều đó đóng góp quan trọng cho sự phát triển trong vùng.

Phó Thủ tướng đánh giá cao thành quả giảm nghèo cũng như mức tăng trưởng GDP rất cao của toàn vùng, lên đến gần 10%. Nhiều tỉnh đã thực hiện cải cách hành chính tốt, thu hút đầu tư lớn.

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mỗi địa phương phải có chủ trương, biện pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chủ trương 1 biện pháp 10, đưa Nghị quyết thành hiện thực trong cuộc sống.

Các địa phương phải xây dựng kế hoạch phát triển, tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu nông nghiệp từng vùng, từng địa phương quyết liệt hơn, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nghề, coi đây là giải pháp căn cơ hơn hết trong xóa nghèo.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý toàn vùng đảm bảo an ninh trật tự, ổn định tình hình, không để tà đạo hoạt động trái phép; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là phát huy vai trò già làng, người uy tín, hệ thống đảng, đoàn thanh niên ở cơ sở. Bầu cử Hội đồng Nhân dân sắp tới phải làm chặt chẽ, không để kẻ xấu phá hoại.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc

Về vấn đề chăn nuôi đại gia súc vùng Tây Bắc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhận định, đây là vùng có nhiều điều kiện thiên nhiên ưu đãi, diện tích toàn vùng chiếm tới 28,6% diện tích cả nước, diện tích đất nông nghiệp chiếm 15,8% quỹ đất nông nghiệp của cả nước.

Tuy nhiên, quá trình phát triển chăn nuôi của vùng trong những năm qua còn bộc lộ nhiều bất cập như chăn nuôi chủ yếu theo phương thức truyền thống, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, do đó dễ chịu rủi ro cao do ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, dịch bệnh.

Tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông và chưa chủ động được thức ăn, chủ yếu là tận dụng thức ăn tại chỗ, chăn nuôi tăng trưởng chậm và thiếu bền vững.

Các ý kiến cho rằng, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn Tây Bắc, năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 cần triển khai mạnh mẽ và hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành các khu chăn nuôi gia súc ăn cỏ với quy mô trang trại, gia trại gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm nhằm tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc, chăn nuôi đại gia súc rất phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên trong vùng. Cần có quy định ưu đãi cho nhà đầu tư vào không chỉ vùng đặc biệt khó khăn mà cả vùng miền núi với các chính sách đặc thù như tiền thuê đất, tiền thuế để kéo doanh nghiệp về vùng miền núi.

Ông Hồ Đức Phớc đề nghị, Chính phủ cho phép mỗi tỉnh Tây Bắc xây dựng một mô hình chăn nuôi để trình diễn, đưa các con giống tốt nhất vào với sự hỗ trợ của các chuyên gia giỏi để người dân, doanh nghiệp đến tham quan, góp phần lan tỏa mô hình ra toàn vùng.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh đề xuất cần phải hướng dẫn người dân bỏ tập tính nuôi chăn thả năng suất thấp, chất lượng kém.

Ông cũng cho rằng, Ban chỉ đạo Tây Bắc cần có chủ trương đẩy mạnh chăn nuôi, nên xây dựng một đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải có cơ chế, chính sách cho vùng có đề án, cơ chế phải đầu tư mạnh hơn so với hỗ trợ cho nông nghiệp đơn thuần, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bỏ đất lúa hiệu quả thấp, người nông dân chỉ trồng cỏ bán cho doanh nghiệp nuôi bò, như vậy sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nông nghiệp.

Cho rằng tiềm năng là rất lớn nhưng các tỉnh vẫn chủ yếu quan tâm đến trồng trọt, mà chưa chú ý đến chăn nuôi, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị một số tỉnh quy hoạch chăn nuôi ở địa phương, có đề án phát triển chăn nuôi, để tăng số lượng và nâng cao chất lượng, giảm tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán.

Cải tạo đàn gia súc, gia cầm, đưa chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán thành gia trại, trang trại, với năng suất, công nghệ mới, thú y tốt, thực phẩm sạch, các cơ sở giống, thú y, thức ăn chăn nuôi phải chủ động hơn, cần thức rõ hơn việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Yêu cầu các địa phương phải coi chăn nuôi đại gia súc là chủ trương quan trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp xây dựng đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn tới trình Chính phủ phê duyệt với cơ chế chính sách tạo điều kiện cho lĩnh vực này, có trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, quy mô cấp vùng, đảm bảo cung cấp đủ giống cho vùng Tây Bắc; chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến các loại thức ăn từ nguyên liệu sẵn có, đặc biệt là việc ngâm ủ thức ăn cho trâu bò trong mùa đông, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi cả 4 mùa.

Ban chỉ đạo Tây Bắc thảo luận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu chính sách phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn, triển khai các đề án phát triển nông nghiệp chất lượng cao, chăn nuôi đại gia súc, trình Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương vùng Tây Bắc phải chủ động hơn, không trông chờ vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, coi lợi thế về chăn nuôi trong vùng là lợi thế phải tận dụng tối đa để hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó cần có đề án chăn nuôi cho từng địa phương, nhân rộng mô hình VietGap trong chăn nuôi, chú trọng nâng cao chất lượng giống, quảng bá sản phẩm tốt hơn, gắn sản xuất với tiêu thụ, sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần, trong đó phải phát huy mô hình nhập khẩu giống bò sữa, phối giống năng suất cao, Phó Thủ tướng chỉ rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục