Ngày 13/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế nhiệm kỳ 2021-2026 làm việc với Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình dự buổi làm việc.
Tinh giản biên chế trong bối cảnh công việc áp lực cao
Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao, thực hiện tinh giản biên chế, tính đến ngày 30/6, Tòa án Nhân dân các cấp đã giảm được 1.664 người (đạt tỷ lệ 10,9%).
Về cơ cấu tổ chức, năm 2021, Tòa án Nhân dân Tối cao có 15 đơn vị cấp Vụ (giảm 6 đầu mối); 57 đơn vị cấp phòng (giảm 12 phòng) so với thời điểm trước.
Tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao được Bộ Chính trị giao nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án Nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Đề án đã được báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, trình Bộ Chính trị theo quy định, hiện đang được khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện để đưa vào Đề án nhánh “Cải cách tư pháp tại Tòa án Nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
[Tòa án nhân dân được tổ chức xét xử trực tuyến từ 1/1/2022]
Đối với tổ chức bộ máy của Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ giảm được 1 đơn vị cấp vụ; thí điểm sáp nhập 45 Tòa án Nhân dân cấp huyện tại 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tránh dàn trải về con người, cơ sở vật chất; chức năng nhiệm vụ của các đơn vị được sửa đổi, bổ sung đảm bảo khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo.
Theo Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc thực hiện tinh giản biên chế được các cấp tòa án triển khai trong bối cảnh đồng thời với việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2014, cơ cấu tổ chức lại có nhiều thay đổi.
Trong nước, mặc dù an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động, có tính chất xuyên quốc gia; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính gia tăng về số lượng và có tính chất ngày càng gay gắt, phức tạp.
Bên cạnh việc phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, đáp ứng các chỉ tiêu, yêu cầu theo nghị quyết của Quốc hội, các tòa án tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; tổ chức triển khai thi hành các đạo luật quan trọng liên quan tới hoạt động của tòa án và triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị.
Biên chế gắn với chất lượng
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao đã chấp hành rất nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế và quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Tòa án Nhân dân tối cao cũng là một trong những cơ quan tích cực trong quá trình sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động của tòa án, đặc biệt là sau Hiến pháp 2013 đã tiến hành trình Quốc hội những đạo luật quan trọng liên quan đến hoạt động của Tòa án Nhân dân tối cao và tòa án các cấp.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng liên quan đến liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao đã nghiên cứu kỹ lưỡng để có quá trình tổ chức thực hiện. Tòa án đã ban hành nhiều văn bản để tổ chức thực hiện các Nghị quyết này.
Thực hiện tinh giản biên chế, tòa án có số biên chế từ năm 2013 đến nay không tăng mà còn giảm tiếp tục hơn 10% theo yêu cầu của chủ trương của Đảng, đồng thời vẫn đảm bảo được yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao.
Về cơ cấu, nhóm công chức hành chính và nhóm lãnh đạo, quản lý chiếm hơn 27%; nhóm nghiệp vụ chuyên ngành chiếm 62,7% và nhóm chuyên môn chung chiếm 9,5%.
"Như vậy, cơ cấu cao nhất khoảng hơn 62% dành cho vị trí nghiệp vụ chuyên môn, cho thấy đây là nhận thức mới của tòa án, đang là hướng đi đúng. Mục tiêu sắp tới phải tiếp tục cơ cấu này. Trên cơ sở đó, ngành tòa án cũng quan tâm việc rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán, những vị trí chuyên môn," Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.
Tòa án Nhân dân Tối cao đã tích cực sắp xếp lại đội ngũ và giảm các đầu mối. Tòa án Nhân dân Tối cao có 15 đơn vị cấp Vụ (giảm 6 đầu mối); 57 đơn vị cấp phòng (giảm 12 phòng) so với thời điểm trước.
tòa án còn tiếp tục đổi mới, ví dụ như tiếp tục thí điểm sáp nhập 45 Tòa án Nhân dân cấp huyện của 14 tỉnh, thành phố; tiếp tục thực hiện tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Ngành tòa án cũng quan tâm đến thi tuyển chức danh tư pháp và thi tuyển lãnh đạo cấp vụ.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao ngành tòa án trong quá trình đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ công tác được đảm bảo.
Như về án hủy, sửa, năm 2015 có tới 1,42 % trong tổng số vụ án; đến 2021 chỉ còn 0,81%. Án oan sai giảm rất nhiều, nhất là những vụ phức tạp, nghiêm trọng. Bên cạnh đó, qua công tác tư pháp, quyền con người, quyền công dân được bảo vệ, đảm bảo bình đẳng trước pháp luật.
Nhấn mạnh vị trí, vai trò rất quan trọng của tòa án, Tòa án Nhân dân tối cao và tòa án các cấp, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị ngành tòa án tiếp tục đảm bảo yêu cầu tinh giản biên chế, tổng kết lại quá trình tinh giản biên chế thời gian qua, khắc phục những hạn chế và tiếp tục hoàn thiện về vị trí, việc làm.
Vấn đề tiếp theo cần quan tâm đó chính là khối lượng công việc của tòa án đang tăng lên (8,5%/năm) trong bối cảnh thực hiện đổi mới bộ máy, tinh giản biên chế, cho thấy áp lực rất lớn lên các tòa án.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh quan điểm biên chế phải gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao; gắn với chất lượng cán bộ, người đủ tiêu chuẩn, điều kiện; khung vị trí việc làm phải gắn với thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế./.