Ngày 14/11, Hội nghị triển khai thí điểm bàn giao, hướng dẫn sử dụng bản đồ hiện trạng, phân vùng trượt lở đất đá và cắm biển cảnh báo do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp tổ chức với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã diễn ra tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Dựa trên kết quả phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho từng đơn vị cấp huyện thuộc tỉnh Lào Cai kết hợp với kết quả thực địa điều tra bổ sung năm 2016, khu vực xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, đề án "Điều tra đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì đã khoanh định các vùng nguy hiểm tiềm ẩn các nguy cơ trượt lở đất đá có thể ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế, giao thông, dân cư và kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, từ đó đề xuất các vị trí cắm biển cảnh báo cho địa phương.
Đề án đã ghi nhận được 12 vị trí đã xảy ra các tai biến địa chất liên quan đến địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó có 7 vị trí lũ quét lũ ống, 5 vị trí xói lở bờ sông suối và đề xuất các vị trí đặt biển cảnh báo, phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do trượt lở đất đá trên địa bàn.
Theo ông Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Lào Cai, là một trong những tỉnh miền núi chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai, đặc biệt là trượt lở đất đá gây ra do tác động của nhiều yếu tố tự nhiên, môi trường và xã hội.
Tại huyện Bát Xát, số xã có nguy cơ trượt lở đất đá ở mức cao đến rất cao có diện tích hơn 500km2, chiếm khoảng 50% số xã.
Xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát) được các chuyên gia đánh giá là một trong số xã có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao trong khu vực miền núi Việt Nam do địa hình phức tạp bị chia cắt mạnh, mạng lưới sông suối trên địa bàn khá dày dặc, lưu lượng nước lớn với trên 60% diện tích thôn có nguy cơ bao gồm: Sủng Hoảng, Sùng Vui, Sùng Vanh, Trung Liềng, Sùng Bang, Tả Trang và Tủi Mẩn.
Mới đây nhất, Phìn Ngan cũng chính là "rốn lũ" trong trận lũ lịch sử tại Lào Cai xảy ra vào ngày 5/8, làm 3 người chết, xóa sổ hoàn toàn 16 ngôi nhà của thôn Sủng Hoảng.
Tại hội nghị, ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nhận định đây là những tư liệu quý, bản đồ có cơ sở khoa học, thực tiễn, mang tính ứng dụng cao giúp tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân di chuyển tránh lũ, chủ động ứng phó với thiên tai.
Theo ông Trần Quang Hoài, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ý nghĩa của việc cắm biển không chỉ đơn thuần là cảnh báo mà còn giáo dục ý thức tự giác của nhân dân trong mùa lũ, tránh chủ quan. Bản đồ là cơ sở để chính quyền và người dân địa phương lựa chọn vị trí xây dựng công trình công cộng và công trình giáo dục cộng đồng nhằm tránh những vùng có nguy cơ cao.
Ông Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương, đặc biệt vào mùa mưa thường xuyên theo dõi các khu vực đã được đánh dấu trên bản đồ, trong quá trình phòng chống thiên tai cần chú ý đến lượng mưa, đồng thời kiến nghị Trung ương Hội Chữ thập đỏ trang bị máy đo mưa tự động...
Sau khi tiến hành bàn giao, hướng dẫn sử dụng bản đồ hiện trạng, phân vùng trượt lở đất đá cho các cơ quan chức năng và người dân địa phương, các đại biểu cùng nhân dân đã tiến hành cắm biển cảnh báo tại một số điểm có nguy cơ cao về trượt lở đất đá tại thôn Trung Chải, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát./.