Trong 65 năm xây dựng và trưởng thành, Ban Đối ngoại Trung ương đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.
Nhân kỷ niệm ngày truyền thống của Ban Đối ngoại Trung ương (1/11/1949-1/11/2014), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
- Xin đồng chí cho biết những đóng góp nổi bật của Ban Đối ngoại Trung ương trong sự nghiệp đối ngoại nói riêng và sự nghiệp cách mạng nói chung của Đảng và dân tộc ta, cũng như truyền thống quý báu được đúc rút qua 65 năm?
Ông Hoàng Bình Quân: Năm nay là tròn 65 năm ngày truyền thống của Ban Đối ngoại Trung ương. Ngày 1/11/1949 Hội nghị Thường vụ Trung ương đã quyết định thành lập Phòng công tác Lào-Miên, đó là cơ quan chuyên trách về đối ngoại đảng đầu tiên của Đảng ta và là tiền thân của Ban Đối ngoại Trung ương ngày nay.
Trong suốt chặng đường 65 năm qua, từ Phòng Lào-Miên sau này đến Ban Lào-Miên, Ban liên lạc đối ngoại và Ban Đối ngoại Trung ương ngày nay, một chặng đường dài các thế hệ của Ban Đối ngoại Trung ương đã nối tiếp nhau, phấn đấu cống hiến và trưởng thành. Có thể nói, trong suốt chặng đường lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc, Ban Đối ngoại Trung ương và công tác đối ngoại Đảng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước ta.
Thời kỳ đầu rất khó khăn, Phòng công tác Lào-Miên được lập ra đã làm nòng cốt cho việc hợp tác với các bạn Lào và Campuchia, củng cố và phát huy liên minh kháng chiến Việt Nam-Lào-Campuchia, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban Đối ngoại Trung ương, đối ngoại Đảng đã phối hợp chặt chẽ với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, tăng cường quan hệ với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, các nước độc lập dân tộc, các lực lượng tiến bộ, hòa bình trên thế giới, tranh thủ mạnh mẽ và đã tạo ra mặt trận nhân dân thế giới lớn chưa từng có ủng hộ, giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta.
Chiến tranh kết thúc năm 1975, đất nước ta bước vào giai đoạn tái thiết, gặp không ít những khó khăn. Lúc đó, Ban Đối ngoại Trung ương cùng với Bộ Ngoại giao, các tổ chức đối ngoại nhân dân phối hợp chặt chẽ để tiếp tục mở mang, thúc đẩy quan hệ, đặc biệt là với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, các nước Liên Xô, Lào, các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Làm sao chúng ta tranh thủ được tình cảm cũng như sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước; chống lại và tiến tới xóa bỏ chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và các thế lực thù địch.
Trong công cuộc đổi mới, có thể nói Ban Đối ngoại Trung ương, đối ngoại Đảng phối hợp nhuần nhuyễn với ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đã triển khai một cách chủ động, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta là độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, tranh thủ một cách có hiệu quả các nguồn lực quốc tế cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chúng ta tăng cường mở rộng quan hệ với các đảng. Hiện nay, Đảng ta có quan hệ với hơn 200 đảng ở hơn 100 quốc gia trên thế giới, làm cơ sở chính trị rất quan trọng để triển khai toàn diện các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, góp phần vào thắng lợi chung trên mặt trận đối ngoại của nước nhà, cũng như nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
65 năm qua, lịch sử vẻ vang của Ban Đối ngoại Trung ương đã được đúc kết thành truyền thống, đó là truyền thống tuyệt đối trung thành, chủ động sáng tạo, truyền thống đoàn kết nhất trí, thương yêu lẫn nhau và truyền thống vượt mọi khó khăn, tận tụy cống hiến. Có thể nói, thành tựu, truyền thống vẻ vang 65 năm qua đã là hành trang sức mạnh to lớn, động lực không thể thiếu cho Ban Đối ngoại Trung ương ngày hôm nay tiếp tục vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong thời kỳ mới.
- Qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, theo đồng chí, Ban Đối ngoại Trung ương có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì cho công tác đối ngoại, trong đó có công tác đối ngoại Đảng?
Ông Hoàng Bình Quân: 65 năm là một chặng đường dài có nhiều cái để nói, nhưng chúng tôi đúc kết lại ba bài học lớn trong công tác đối ngoại Đảng. Đó là chúng ta phải vận dụng “dĩ bất biến ứng vạn biến.”
Bài học thứ hai là phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó có sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của thời đại. Sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, kết hợp hài hòa giữa đối ngoại kinh tế, đối ngoại quốc phòng an ninh, văn hóa. Bài học độc lập tự chủ trong bối cảnh chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập quốc tế.
- Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, đồng chí cho biết những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác đối ngoại Đảng hiện nay?
Ông Hoàng Bình Quân: Rõ ràng bây giờ chúng ta thấy thế giới đã và đang có những biến động rất nhanh chóng, mau lẹ, phức tạp, thậm chí là khó lường. Giai đoạn mới cũng mang lại nhiều cơ hội mới, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới.
Do vậy, vị trí, vai trò của công tác đối ngoại nói chung và của công tác đối ngoại Đảng nói riêng ngày càng trở nên rất quan trọng. Đối ngoại Đảng tạo nền tảng chính trị cho quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới, làm cơ sở cho quan hệ nhà nước cũng như các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Chúng ta vừa tăng cường quan hệ đi vào chiều sâu với các Đảng Cộng sản cầm quyền, các Đảng Cộng sản, Đảng cánh tả; đồng thời chúng ta phải chủ động quan hệ với các chính đảng khác, các đảng cầm quyền... để chúng ta hoàn toàn chủ động trước tình hình thế giới đầy biến động phức tạp, thực hiện có hiệu quả đường lối chủ động hội nhập quốc tế.
Vấn đề thứ hai, hơn lúc nào hết chúng ta phải phát huy mạnh mẽ thế và lực của Việt Nam. Trên mặt trận đối ngoại đó là sự kết hợp hài hòa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân để phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Làm sao chúng ta có thể giảm thiểu những bất lợi, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, giúp đỡ của quốc tế cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vấn đề thứ ba, thế giới đã và đang thay đổi nhanh chóng, tình hình chính trị và chính trường ở các quốc gia cũng thay đổi hết sức nhanh chóng, do vậy một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của đối ngoại nói chung và đối ngoại Đảng nói riêng là phải phối hợp, nắm bắt thật tốt tình hình, chủ động nghiên cứu tình hình, dự báo chiến lược và có đề xuất chủ trương quyết sách đối ngoại kịp thời, hiệu quả. Làm thế nào để đạt được mục tiêu của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời tiếp tục tranh thủ sự hợp tác ủng hộ của quốc tế cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!