Bộ Công Thương vừa phối hợp với Bộ Thương mại Trung Quốc chủ trì tổ chức Kỳ họp lần thứ 4 Nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt-Trung và Kỳ họp lần thứ 3 Cơ chế liên hợp giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới Việt-Trung và hợp tác phòng chống dịch.
Kỳ họp tập trung đánh giá lại những kết quả nỗ lực song phương trong 6 tháng đầu năm nhằm tạo luận lợi cho hoạt động thương mại, giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực biên giới và đề ra phương hướng hợp tác trong 6 tháng cuối năm để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của thương mại, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hai nước.
Tại kỳ họp, hai bên thống nhất đánh giá cao thiện chí hợp tác, phối hợp và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương hai nước trong việc triển khai các biện pháp, sáng kiến nhằm tạo thuận lợi và nâng cao hiệu suất thông quan qua các cửa khẩu biên giới.
Cụ thể như Kế hoạch 100 ngày cao điểm thông quan, đường dây nóng giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước trong khuôn khổ Nhóm Công tác, các mô hình giao nhận không tiếp xúc mới, hợp tác xét nghiệm...
Ngoài ra, hai bên cũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền địa phương biên giới hai nước nhằm khôi phục lại hoạt động các cửa khẩu biên giới, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam và giảm thiểu lượng xe chờ thông quan tại cửa khẩu.
Đại diện Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vấn đề tồn tại cần hai bên tiếp tục phối hợp giải quyết như sự gián đoạn hoạt động của một số cửa khẩu trong thời gian qua. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và kim ngạch thương mại biên giới; tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế chưa được khai thác hiệu quả...
Do đó, Bộ Công Thương và các địa phương biên giới Việt Nam đề xuất những ưu tiên cần triển khai trong nửa cuối năm 2022 như tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm tìm kiếm và triển khai giải pháp duy trì ổn định, tránh gián đoạn hoạt động thông quan tại cửa khẩu trong mọi tình huống.
[Vải thiều tươi lần đầu tiên được xuất khẩu qua cửa khẩu tại Móng Cái]
Mặt khác, hai bên tiếp tục duy trì thông suốt “đường dây nóng” liên thông giữa các cơ quan trung ương, các địa phương biên giới nhằm đảm bảo cung cấp thông tin chính thống và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh tại cửa khẩu; sớm nghiệm thu và cho phép cửa khẩu Ma Lù Thàng-Kim Thủy Hà và cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai-Hà Khẩu là cửa khẩu chỉ định nhập khẩu trái cây.
Cùng với đó, tiếp tục mở rộng mô hình thí điểm nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam trong thời gian chờ cơ quan chức năng của hai nước chính thức mở cửa thị trường các loại trái cây, tương tự như đối với việc Hải quan Trung Quốc từ ngày 1/7/2022 cho phép thí điểm nhập khẩu chanh leo từ Việt Nam qua các cửa khẩu tại Quảng Tây.
Đặc biệt, hai bên phối hợp nâng cao năng lực vận tải đường sắt, bao gồm việc nâng cao hạn mức hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc bằng đường sắt đi nước thứ ba; tăng thời gian hoạt động tại các cửa khẩu; đẩy nhanh việc trao đổi và ký kết các thỏa thuận tạo khuôn khổ hợp tác và thuận lợi cho hợp tác kinh tế thương mại song phương…
Tại kỳ họp, phía Trung Quốc một lần nữa khẳng định quan điểm “đảm bảo phòng chống dịch tức là đảm bảo thông quan” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai bên cần tiếp tục phối hợp đảm bảo tốt phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc đề nghị hai bên tiếp tục tối ưu hóa việc phân luồng hàng hóa và tăng lượng xe tải hàng tại cửa khẩu Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan; xử lý kịp thời một số vấn đề trong xuất khẩu xe mới sang Việt Nam; bố trí khai báo trước linh hoạt; hoàn thiện hạ tầng cửa khẩu.
Kết thúc kỳ họp, hai bên đã đạt được sự nhất trí cao về việc duy trì thường xuyên các cơ chế, khuôn khổ hợp tác song phương thời gian tới, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vấn đề phát sinh nhằm tránh tái diễn tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới./.