Ban hành quy trình giải quyết gần 5.000 hồ sơ người có công

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa ban hàng quyết định quy định quy trình giải quyết gần 5.000 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh đang còn tồn đọng trong năm 2017.
Ban hành quy trình giải quyết gần 5.000 hồ sơ người có công ảnh 1Trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Ngà/TTXVN)

Ngày 20/3, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Theo đó, gần 5.000 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh sẽ được xem xét trong năm 2017.

Các hồ sơ được xem xét phải được lập trước ngày 1/7/2013 nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục, hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Các hồ sơ đang được lưu trữ tại cơ quan lao động-thương binh và xã hội, công an, quân đội cấp tỉnh trở lên.

Đối với các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận người có công với cách mạng (không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định pháp luật) sẽ không được xem xét.

Do tính chất quan trọng, phức tạp của việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu đối với các tỉnh, thành phố có từ 50 hồ sơ trở lên thì chọn một số địa phương cấp huyện để chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra phạm vi toàn tỉnh, thành phố. Đối với các tỉnh, thành phố có từ 10 đến 50 hồ sơ thì tổ công tác liên ngành trực tiếp phối hợp với địa phương để triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố.

Văn bản quy định, đối với các tỉnh, thành phố có dưới 10 hồ sơ thì giao địa phương chủ động triển khai theo kế hoạch của trung ương và báo cáo tổ công tác liên ngành, Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thẩm định kết quả.

Theo quy trình này, Ban chỉ đạo, hội đồng xác nhận người có công các cấp họp công khai, biên bản cuộc họp chỉ có giá trị khi có ít nhất 80% thành viên dự họp và ký biên bản thống nhất đề nghị xác nhận, các thành viên vắng mặt được lấy ý kiến bằng văn bản. Kết quả xác minh, xét duyệt hồ sơ phải được niêm yết công khai, thông tin trên các phương tiện truyền thông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục