​Băn khoăn bài toán giảm gánh nặng ngân sách nuôi tổ chức hội

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự băn khoăn trước bài toán giảm gánh nặng ngân sách nuôi các tổ chức hội, đang lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
​Băn khoăn bài toán giảm gánh nặng ngân sách nuôi tổ chức hội ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Phạm Tất Thắng phát biểu ý kiến trên hội trường. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

14.000 tỷ đồng - đây là con số ước tính ngân sách phải bỏ ra “nuôi” các tổ chức hội, đoàn thể mỗi năm. Con số nghiên cứu về ngân sách nhà nước dành cho các hội, đoàn thể được Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố cách đây ít lâu khiến nhiều người không khỏi giật mình trước gánh nặng ngân sách đang oằn mình chống đỡ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng số ngân sách dành cho các tổ chức hội này gần gấp đôi ngân sách cho các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Y tế. Nếu tính đủ cả chi phí kinh tế, xã hội, chi phí toàn hệ thống của tổ chức hội vào khoảng 45.600-68.100 tỷ đồng, tương đương với 1-1,7% GDP. Trong dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2016 cho riêng sáu tổ chức hội (Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã là 1.503,74 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cho rằng việc trả lương cho các tổ chức hội sẽ gây ra bội chi ngân sách lớn. Việt Nam đang ở trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế, do vậy việc giảm chi thường xuyên là nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức thiết của nền kinh tế hiện nay; cần tập trung chi vào những lĩnh vực quan trọng, mang lại tác động lớn hơn cho kinh tế-xã hội. Các hội phải có trách nhiệm cân đối, trang trải các khoản chi hoạt động của mình.

“Mặc dù tôi cũng thuộc một tổ chức hội, cũng được cấp ngân sách nhưng tôi rất đồng tình quan điểm không nên cấp ngân sách cho các hội, ngoài các hội thuộc tổ chức đoàn thể chính trị đang có” - ông Chung cho hay.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nhìn nhận hiện nay có hai loại hội là hội theo tính chất đặc thù và hội không đặc thù. Hội có tính chất đặc thù là hội có tham gia mang lợi ích cho xã hội và được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Nếu tiếp tục dàn trải thì đất nước sẽ không có tiền để tiếp tục hỗ trợ.

“Quan điểm của tôi đã gọi là các hội thì phải hoạt động theo phí của các hội viên đóng góp, vì lợi ích, vì tôn chỉ mục đích của hội chứ không thể ngân sách nhà nước mãi tài trợ như thế này được” - đại biểu bày tỏ và đề nghị làm rõ 6 tổ chức chính trị-xã hội không quy định trong Luật về hội và vẫn hoạt động theo Hiến pháp, còn các hội khác thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thì ngân sách nhà nước không nên hỗ trợ.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), bản chất của hội là mang tính tự nguyện, nên quản lý nhà nước về hội sẽ khác với các lĩnh vực khác. Quản lý hội cần theo góc độ định hướng để các hội thực hiện đúng đường hướng, mục tiêu, chức trách, nhiệm vụ của mình, được pháp luật quy định và với tôn chỉ mục đích của hội mà khi thành lập đã được nêu ra. Với tư cách là tổ chức tự nguyện, vai trò tự quản và tự chịu trách nhiệm của các hội là rất lớn.

Đại biểu nhìn nhận công tác quản lý nhà nước với hội thời gian qua chưa như mong muốn và chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều hội cũng chưa thực hiện đúng yêu cầu, đúng tôn chỉ mục đích của hội.

Ngoài một số hội mang tính chất chính trị-xã hội đã quy định trong Hiến pháp được ngân sách nhà nước hỗ trợ, chúng ta cũng xác định về nguyên tắc, tổ chức hội nào được nhà nước giao nhiệm vụ thì nhà nước sẽ cấp kinh phí – đại biểu Thắng nêu quan điểm.

Đại biểu chỉ ra rằng trong quá trình quản lý các hội, chúng ta đã công nhận nhiều hội mang tính chất đặc thù, điều đó gắn với việc hỗ trợ kinh phí của nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

“Có thể nói đầu tư ngân sách nhà nước cho các hội cũng khá lớn. Khi thảo luận và thông qua dự thảo Luật về hội, chúng ta cần xác định rõ lại, hội là phải tự nguyện, tự quản, tự lo kinh phí hoạt động và nhà nước chỉ cấp kinh phí với những nhiệm vụ mà nhà nước giao theo tính chất đặt hàng. Còn tính chất hoạt động thường xuyên thì ngoài 6 tổ chức chính trị - xã hội, các hội khác phải tự lo kinh phí hoạt động” – đại biểu Phạm Tất Thắng khẳng định.

Nhìn vào con số biên chế năm 2017 cho các tổ chức hội đặc thù vừa được Thủ tướng phê duyệt (686 biên chế), đại biểu Phạm Tất Thắng cho biết nếu chỉ tính theo tỷ lệ thì con số này không phải là lớn, nhưng quan trọng là cơ quan tham mưu chuyên môn về lĩnh vực này đã tính toán, cân nhắc kỹ chưa trước khi báo cáo với Thủ tướng để Thủ tướng phê duyệt.

Những hội thành lập theo những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đương nhiên Đảng, Nhà nước sẽ phê duyệt biên chế và điều kiện hoạt động đảm bảo khác. Còn với những hội khác, đang trong giai đoạn quá độ nên phải tính đến những hội nào đã xác định là hội đặc thù, Nhà nước cần hỗ trợ hoạt động, trong đó có điều kiện về nhân lực, Thủ tướng cũng cần phê duyệt để tạo điều kiện cần thiết cho các hội đó hoạt động. Những hội không thuộc nhóm Nhà nước cần cung cấp điều kiện hoạt động thì phải cắt giảm nhân lực.

Đại biểu Phạm Tất Thắng cũng đề xuất không hạn chế quyền thành lập hội, mà cần tăng cường quản lý, để làm sao các hội hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng như Hội bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) nhưng lại đi ngược lại lợi ích người tiêu dùng, không đúng tôn chỉ mục đích của hội như vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục