Trong buổi tọa đàm "Luật Điện ảnh (sửa đổi) với việc phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam," các chuyên gia đã cùng góp ý cho các cơ chế liên quan đến dịch vụ điện ảnh, quỹ điện ảnh, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội hợp tác quốc tế.
Sự kiện do báo Đại biểu Nhân dân phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông tổ chức ngày 15/10.
'Cởi trói' cho dịch vụ điện ảnh
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) nhận xét nền công nghiệp điện ảnh của Việt Nam chưa tập trung phát triển chính sách từ gốc. Từ đó, ông đề xuất chỉnh sửa, gỡ bỏ một số quy định trong dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi).
Về quy định không phù hợp, ông đề xuất bỏ điều 14 về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho đơn vị nước ngoài, trong đó quy định phải nộp kịch bản tiếng Việt để thẩm định. Ông Đồng cho rằng các dịch vụ này đôi khi chỉ là cung cấp phụ đề tiếng Việt, tham gia làm nhạc, ánh sáng… chứ không phải toàn bộ phim. Nếu bắt doanh nghiệp phải làm hồ sơ, dịch tiếng Việt rồi nộp và chờ cấp phép là không cần thiết, chưa kể có thể dẫn đến nguy cơ vuột mất cơ hội.
Ông lấy ví dụ gần đây trong series “Trò chơi con mực” ("Squid game," Hàn Quốc) của Netflix có sự tham gia của một đội làm kỹ xảo (VFX) từ Việt Nam. Đây là một tựa phim được đầu tư, hiện được cả thế giới quan tâm, nếu quy định như vậy thì buộc doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xin phép, nộp xong phải chờ đợi.
[Vì sao Squid Game - 'Trò chơi con mực' gây sốt ở nhiều quốc gia?]
Bà Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành công ty giải trí Thaole Entertainment đồng tình, cho biết nhiều đoàn phim Hollywood từng liên hệ để quay tại Việt Nam nhưng “giấy phép của chúng ta có đầy đủ yêu cầu về cấp phép, nhưng đa phần rất khó để thực hiện.”
“Khi đoàn phim nước ngoài có ý tưởng hay, có quyết tâm, ngân sách để thực hiện ngay, thì có khi quy trình lại mất đến một năm. Chúng ta cần bổ sung cụ thể quy trình cấp phép tại Việt Nam càng sớm càng tốt để họ nhanh chóng quyết định vào quay, hợp tác với chúng ta sau đại dịch,” bà Thảo thể hiện quan điểm.
Về phản ánh này, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết theo luật điện ảnh hiện hành, đối với các thủ tục thuộc bộ thì chỉ kéo dài 30 ngày, song thừa nhận rằng có chuyện đoàn phim phải tuân theo quy trình từ bước này xong mới đến bước kia. Từ đó bà cũng cho rằng cần có cách để không phải đi qua lần lượt từng thủ tục, cho phép đồng bộ hóa để giảm thời gian chờ đợi.
Trong khi đó, ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (Quốc hội khóa XV) nhấn mạnh tiêu chí của dự án Luật điện ảnh (sửa đổi) là hướng tới coi điện ảnh vừa là ngành sáng tạo, vừa là kinh tế, nâng cao nhu cầu hưởng thụ của người dân, phát triển trong tổng hòa với các ngành du lịch, truyền thông, giải trí, đảm bảo quản lý nhà nước và ứng dụng chuyển đổi số cho ngành...
Quỹ điện ảnh cần minh bạch
Theo dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết về thi hành Luật điện ảnh (sửa đổi), việc đóng góp cho quỹ điện ảnh đang là bắt buộc đối với doanh nghiệp. Về vấn đề này, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đang có ý kiến khác nhau.
Trên thực tế, Luật điện ảnh năm 2006 đã quy định về quỹ điện ảnh song đến nay vẫn chưa thực hiện được. Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng quỹ có thể không cần dùng ngân sách Nhà nước, các tổ chức đều có thể tham gia đóng góp.
Thế nhưng đại diện doanh nghiệp điện ảnh tham gia tọa đàm có quan điểm khác. “Câu hỏi đầu tiên là nếu tôi góp phần thì công ty sẽ được lợi nhuận gì? Sẽ thấy được kết quả đầu tư của quỹ ra sao?” bà Lê Thị Phương Thảo đặt câu hỏi.
Bà khẳng định doanh nghiệp rất muốn hỗ trợ điện ảnh nước nhà và có thể kêu gọi nhau cùng chung tay. Song quỹ cần thể hiện được sự hiệu quả, có kế hoạch cụ thể, ai quản lý và doanh nghiệp được hưởng lợi thế nào, dự án nào được đầu tư ra sao...
“Đơn vị nào cũng phải lo cơm áo gạo tiền, lo sản xuất… Vì vậy họ sẽ đầu tư cho những diễn viên, gương mặt của riêng mình và trở thành sự khác biệt để cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Nếu quỹ không đi ra từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp không dễ phối hợp vào. Từ kinh nghiệm của tôi, doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự phối hợp chặt chẽ để chung tay làm điều gì lớn, nhất là khi nhiều công ty phải lao tâm khổ tứ lo 'vượt bão' COVID-19,” bà Thảo nói.
Ông Nguyễn Viết Lượng khẳng định đã nắm được mong muốn của cơ quan soạn thảo và các bên, khẳng định sự cần thiết của quỹ trong việc hỗ trợ phim độc lập, thể nghiệm, tài năng điện ảnh, cũng như nhiều vấn đề đặc thù khác của ngành này.
Song ông cũng cho biết phần giải trình trước Quốc hội chưa chỉ rõ lý do vì sao 15 năm nay quỹ chưa hoạt động, vẫn để ngỏ các câu hỏi: “Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước có đảm bảo không? Quy định từ các nguồn thu có ảnh hưởng đến tổ chức cá nhân hay không, có khả thi và đủ độc lập để duy trì quỹ lâu dài được không?”
[Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi]
Ông Lượng khẳng định quỹ cần có sự minh bạch, công khai trong quản lý, hiệu quả để đáp ứng sự mong mỏi của các tổ chức cá nhân đóng góp. Ở đây cơ quan soạn đề nghị Chính phủ hoàn thiện thêm, giải trình làm rõ những băn khoăn của cơ quan thẩm tra… Hiện nay cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã gửi ý kiến trong tờ trình chính phủ, nhưng vẫn đang chờ ý kiến của đại biểu Quốc hội để có chỉnh lý phù hợp.
Ông cũng cho biết quy định về quỹ là một trong ba nội dung được thống nhất sẽ đưa ra thảo luận với Quốc hội trong kỳ họp thứ hai tới đây. Hai nội dung còn lại xoay quanh cơ chế làm phim đặt hàng nhà nước và quản lý phổ biến phim trên không gian mạng./.