Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình

Phó Trưởng ban Kinh tế TW lưu ý, Ninh Bình cần tranh thủ tối đa các lợi thế có sông có biển; nằm trong tứ giác phát triển Hà Nội-Thanh Hóa-Hải Phòng-Quảng Ninh, để phát triển mà không bị lấn át.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Ngày 19/8, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông Vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về phía tỉnh Ninh Bình có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà cùng các đồng chí thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo nhiều ban, sở, ngành.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe báo cáo tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, tập trung vào chủ đề Đại hội "Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết toàn dân; giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư; phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch phát triển" cùng phương châm Đại hội "Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển".

Sau nhiều lần tiếp thu, tổng hợp, bổ sung, chỉnh sửa, đến nay Dự thảo Báo cáo chính trị cơ bản đã hoàn tất.

Trong đó, Dự thảo Báo cáo đã đánh giá toàn diện các kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Bên cạnh đó, Dự thảo Báo cáo cũng đề cập đến những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, trên cơ sở đó rút ra 5 bài học kinh nghiệm.

Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025, Dự thảo Báo cáo chính trị đề cập đến 14 chỉ tiêu chủ yếu, 3 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm và 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị, đại diện các bộ, ngành đều đánh giá cao quá trình chuẩn bị Dự thảo Báo cáo và cho rằng, Dự thảo Báo cáo chính trị được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXI xây dựng có tính khoa học, nghiêm túc, công phu và đáp ứng được các yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị.

Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình ảnh 1Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Nhiều ý kiến thiết thực, sát với tình hình thực tế đã nhấn mạnh Ninh Bình cần nhìn nhận đầy đủ, đánh giá đúng vị thế của tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, trên cơ sở những hạn chế, yếu kém còn gặp phải để tìm ra định hướng đúng cho sự phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ tới.

Đặc biệt, Ninh Bình cần đánh giá và làm rõ hơn những động lực phát triển, làm rõ nguyên nhân chưa đạt được 2 mục tiêu đã đề ra trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 về thu nhập bình quân đầu người và tốc độ đô thị hóa.

[Ninh Bình rút kinh nghiệm từ Đại hội điểm Đảng bộ thành phố]

Mặt khác, Ninh Bình cần phân tích kỹ hơn cơ cấu thu ngân sách để việc thu ngân sách giai đoạn tới bền vững hơn; nên bổ sung thêm trong Báo cáo chính trị đánh giá về tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, làm rõ hơn kết quả việc hợp tác và liên kết vùng; cần bổ sung thêm các chỉ số đánh giá mang tính chất chất lượng.

Trong mục tiêu nhiệm kỳ mới, Ninh Bình cần xây dựng các kịch bản phù hợp để giúp tỉnh ứng phó được với các tình huống có thể xảy ra, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19, thiên tai như hiện nay.

Đặc biệt, trong Dự thảo Báo cáo chính trị cần bổ sung tầm nhìn đến năm 2030 để thấy được mục tiêu tổng quát trong giai đoạn tới...

Thay mặt Đoàn công tác, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị Dự thảo Báo cáo chính trị của tỉnh Ninh Bình.

Ninh Bình có vị trí chiến lược, là cầu nối giữa Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, là một điểm nút giao thông quan trọng trên tuyến Bắc-Nam.

Với lợi thế có nhiều sông, có biển; nằm trong tứ giác phát triển Hà Nội-Thanh Hóa-Hải Phòng-Quảng Ninh, Ninh Bình sẽ định hướng phát triển như thế nào để tranh thủ tối đa các cực tăng trưởng này, bổ sung cho nhau cùng phát triển, chứ không bị cạnh tranh, lấn át.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cũng lưu ý, với quy mô kinh tế nhỏ, khó cạnh tranh với nhiều tỉnh, thành, việc định hướng, tìm ra động lực, dư địa phát triển trong thời gian tới đặc biệt quan trọng đối với Ninh Bình.

Tỉnh cũng cần đánh giá sâu hơn về tiềm năng, nguồn lực, lợi thế của tỉnh bên cạnh việc lưu ý các tác động tiêu cực của dịch COVID-19; ngoài trọng tâm phát triển công nghệ, du lịch, Ninh Bình cần chú trọng đến "tam nông..."

Dự thảo Báo cáo chính trị cũng cần bổ sung các phụ lục để làm rõ những nội dung quan trọng trong Báo cáo.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của Đoàn công tác để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị, trình Bộ Chính trị cho ý kiến trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục