Sáng 3/7, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2020.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương chủ trì hội nghị.
Tham mưu chủ trương, đường lối xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp
Trong 6 tháng đầu năm 2020 Ban Nội chính Trung ương đã nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư 08 Đề án về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; chủ động, sáng tạo, kiên trì, quyết liệt, thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, góp phần tiếp tục “không ngừng, không nghỉ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng"; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; thẩm định, tham gia ý kiến có chất lượng đối với nhiều dự án luật, đề án, văn bản quan trọng về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương...
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá về 7 nội dung công tác lớn mà Ban Nội chính đã làm tốt trong 6 tháng đầu năm, khẳng định, trong thời gian qua khối lượng công việc lớn, xảy ra một số việc đột xuất, phức tạp, nhạy cảm..., đặc biệt cả nước chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID -19, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng rất cao của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của cơ quan; sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nên Ban Nội chính Trung ương đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Công tác tham mưu, chỉ đạo, đôn đốc xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (cả 3 cấp độ) ngày càng bài bản, nền nếp, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Đặc biệt là việc tham mưu được thực hiện nghiêm túc, bài bản; có cơ chế chặt chẽ trong việc giao ban, hội ý giữa ba đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo, của Ban Chỉ đạo 110; tập trung tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, đánh giá tài liệu, chứng cứ; tham mưu kịp thời về chủ trương, đường lối xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, có quan điểm khác nhau; tham mưu quan điểm xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế xảy ra trước đây, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ việc, vụ án theo đúng yêu cầu, kế hoạch của Ban chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo.
Ban Nội chính Trung ương hoàn thành, xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 5 đề án và triển khai xây dựng 5 đề án lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2020 theo kế hoạch; tham mưu về nội dung công tác phòng, chống tham nhũng trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; nghiên cứu triển khai 11 đề tài, đề án khoa học về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng...
Công tác nghiên cứu, thẩm định, đề xuất về xây dựng pháp luật, về công tác cán bộ có nhiều cố gắng và chất lượng ngày càng cao; nghiên cứu, tham mưu xử lý một số vấn đề nổi lên trong lĩnh vực an ninh-trật tự ; tham mưu với Ban Bí thư chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, gây mất an ninh-trật tự ở trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước ; chỉ đạo hướng dẫn xử lý các vụ việc nổi lên về an ninh-trật tự, các vụ việc, vụ án có dấu hiệu tham nhũng, oan sai ở một số địa phương.
Lựa chọn đưa một số vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng còn lại năm 2020, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc lưu ý về 7 nhóm vấn đề lớn.
Cụ thể, Ban Nội chính Trung ương sẽ tập trung hoàn thành xây dựng 5 Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch; tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, thẩm định, tham mưu, đề xuất về một số vấn đề lớn trong các dự án luật, đề án, văn bản quan trọng về nội chính và phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp; tham gia ý kiến về Văn kiện Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tham gia công tác cán bộ, nhất là nhân sự đại hội đảng bộ các cấp theo thẩm quyền và đề nghị của các cơ quan chức năng.
Ban Nội chính sẽ tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, nắm bắt tình hình, đôn đốc, hướng dẫn về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp ở địa phương và các bộ, ngành trung ương, nhất là các vấn đề nổi lên về an ninh-trật tự, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, các vụ việc báo chí phản ánh, dư luận quan tâm liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp; khẩn trương hoàn thiện tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và các quy trình công tác kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính và của Ban Chỉ đạo.
Ban Nội chính Trung ương sẽ khẩn trương chuẩn bị nội dung, tài liệu phục vụ tốt Phiên họp 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cuộc họp, phiên họp của hai Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, và Ban Chỉ đạo 110 cụ thể hơn, kịp thời hơn trong tham mưu chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các Thông báo, Kết luận của hai Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Phan Đình Trạc lưu ý: Cần bám vụ án, vụ việc, kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo; phối hợp tổng kết, rút kinh nghiệm qua việc xử lý một số vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục lựa chọn đưa một số vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Cần khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 26, trình đồng chí Thường trực Ban Bí thư ký, ban hành; xây dựng tài liệu và tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Chỉ thị 26 và Hướng dẫn của Ban Bí thư; phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan tham mưu với Ban Bí thư chỉ đạo xử lý tình trạng khiếu kiện đông người, gây mất an ninh-trật tự tại khu vực Trụ sở Trung ương Đảng và các cơ quan nhà nước trung ương...
Tại hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã trao Huân chương Lao động các hạng tặng 4 đồng chí cán bộ của ban.