Bạn thường mắc những bệnh gì trong thời tiết giao mùa Thu-Đông?

Khi giao mùa, phổi rất dễ bị ảnh hưởng và nêu không điều trị sớm và đúng cách, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng tấn công sâu hơn vào phế nang, phế quản phổi gây nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.

Thời điểm giao mùa tần suất bệnh nhân mắc các bệnh về phổi vào viện điều trị tăng 2-3 lần so với lúc bình thường. (Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN)
Thời điểm giao mùa tần suất bệnh nhân mắc các bệnh về phổi vào viện điều trị tăng 2-3 lần so với lúc bình thường. (Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN)

Bệnh giao mùa là nhóm bệnh xuất hiện phổ biến trong thời điểm giao mùa từ Thu sang Đông. Đây là thời điểm nhiệt độ thay đổi, chênh lệch giữa ngày và đêm, độ ẩm không khí giảm,… làm cho cơ thể tiêu tốn năng lượng nhiều hơn, giảm sức đề kháng dẫn đến dễ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.

Ngoài ra, các điều kiện môi trường thay đổi lúc giao mùa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

1. Ai dễ mắc bệnh trong thời kỳ giao mùa?

Đối tượng dễ mắc các bệnh khi giao mùa Thu-Đông thường là nhóm người có sức đề kháng yếu hay bị suy giảm miễn dịch. Một số các nhóm đối tượng đó bao gồm:

Trẻ em: Trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa vì hệ thống miễn dịch của chúng vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đặc biệt, trẻ khi mắc bệnh thường diễn biến nặng hơn so với người lớn.

Người cao tuổi: Đây là nhóm đối tượng thường có sẵn bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận hay tim mạch. Vì vậy, hệ miễn dịch của người cao tuổi bị suy yếu và dễ bị các loại bệnh khi giao mùa tấn công hơn.

Phụ nữ mang thai: Khi mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ rất dễ gây dị tật cho thai nhi. Ngay cả khi mắc bệnh, thai phụ cũng thường ngại dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi khiến bệnh kéo dài và cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, việc phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu với phụ nữ mang thai.

ttxvn-giao mua.jpeg
Bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

2. Một số bệnh thường gặp khi giao mùa

Bệnh giao mùa Thu Đông rất phổ biến và bất cứ đối tượng nào cũng có thể mắc, dưới đây là một số bệnh chúng ta hay gặp khi thời tiết thay đổi.

Viêm mũi dị ứng

Trong thời điểm giao mùa, sự thay đổi của nhiệt độ và sự hiện diện của những tác nhân gây dị ứng trong môi trường như phấn hoa, cây cỏ, nấm mốc sẽ làm cho những người có cơ địa nhạy cảm bị viêm mũi dị ứng với biểu hiện ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi liên tục.

Cảm cúm

Giao mùa là lúc nhiệt độ thay đổi, nóng lạnh, nắng mưa bất thường nên nếu hệ miễn dịch yếu, bạn rất dễ mắc bệnh. Đặc biệt vào giao mùa Thu-Đông, không khí lúc ẩm, lúc hanh khô có thể khiến cho các loại virus gây bệnh phát triển mạnh. Đây là khoảng thời gian cơ thể rất khó thích nghi với thời tiết và cảm cúm dễ xảy ra.

Nếu thấy hiện tượng chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì liên tục, đau đầu chóng mặt, bạn có thể nghĩ đến khả năng mình đã mắc bệnh này. Hơn hết, để phòng ngừa, hãy ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều nước, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng, rửa tay nhiều lần để loại trừ mầm bệnh lây lan, nơi ở thoáng mát, sạch sẽ để tránh vi khuẩn, virus trú ngụ.

cam cum1.jpg
(Ảnh: Getty images)

Bệnh sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra và là một trong các loại bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa.

Bệnh sởi có các biểu hiện đặc trưng là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt), chảy nước mũi; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não… dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.

Bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng cũng là bệnh phổ biến vào tháng 10, 11 hàng năm, khi thời tiết biến đổi phức tạp. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh do virus gây ra, triệu chứng xuất hiện đầu tiên thường là sốt.

vna_potal_khanh_hoa_gia_tang_dich_tay_chan_mieng_o_tre_em_6827380.jpg
(Ảnh: TTXVN)

Dị ứng

Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cùng sự sụt giảm độ ẩm không khí là tác nhân gây ra các chứng bệnh da liễu như khô nẻ, da dị ứng, mẩn đỏ… Biểu hiện bệnh thường là da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy gây khó chịu.

Để phòng bệnh, bạn có thể bôi kem dưỡng da để cung cấp độ ẩm cho da. Ngoài ra, cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ ấm cơ thể hàng ngày… Đặc biệt, khi chưa tìm rõ nguyên nhân dị ứng, nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.

Đau xương khớp

Thời tiết thay đổi cũng là nguyên nhân gây đau xương khớp. Bệnh nhân không chỉ bị đau, sưng tấy các khớp tay, chân mà người bệnh còn bị viêm nhiều khớp khác trên cơ thể. Các khớp viêm bị sưng, nóng, đỏ, đau, khó cử động. Tình trạng khớp bị cứng, khó cử động thể hiện rõ nhất vào sáng sớm và có thể kéo dài hàng giờ.

Cùng với các triệu chứng tại khớp là hiện tượng toàn thân như sốt, mệt mỏi, người xanh xao, gầy sút. Người bị bệnh đau xương khớp phải chú ý phòng rét và mặc cho ấm, nhất là sau khi ra mồi hôi, không nên tắm bằng nước lạnh.

xuong khop1.jpg
(Ảnh: Getty images)

Viêm phổi

Vào thời điểm chuyển mùa từ Thu sang Đông, phổi sẽ rất dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là phổi của trẻ em và người cao tuổi. Khi bị viêm phổi là tình trạng các túi phế nang trong phổi bị viêm nhiễm do một tổn thương nào đó gây nên. Viêm nhiễm làm hai phổi chứa đầy dịch nhầy hoặc mủ bất thường, làm người bệnh khó thở và tạo nên phản xạ ho để đẩy dịch ra ngoài.

Người bệnh bị viêm phổi thường có các triệu chứng như nghẹt mũi, đau tức ngực, ho khan, ho có đờm, ho ra máu, đờm màu trắng đục, thậm chí màu vàng xanh hoặc đỏ…

Nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị sớm và đúng cách, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng lan rộng và tấn công sâu hơn vào các phế nang, phế quản phổi và nhu mô phổi rất nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.

Suy tim

Khi giao mùa giữa Thu và Đông, người bị bệnh suy tim thường có nguy cơ tái phát. Do thời tiết thay đổi quá đột ngột, cơ thể phải tìm cách thích ứng với sự biến đổi. Từ đó làm quá tải hệ thống tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng cho tim mạch. Vì thế người bệnh cần thăm khám định kỳ để biết rõ tình trạng sức khỏe tim mạch của mình.

tim-mach-362.jpg
(Ảnh: Getty Images)

Viêm xoang

Viêm xoang là bệnh lý khá phổ biến ở Việt Nam. Nhất là vào thời điểm giao mùa, khi độ ẩm không khí thấp, hanh khô tăng cao khiến niêm mạc mũi bong, gây hắt hơi, sổ mũi, đau nhức mũi kéo theo đau đầu, đau tai, đau ngứa họng…

Tuy không quá nguy hiểm nhưng viêm xoang lại là một trong những căn bệnh khó chữa dứt điểm, gây khó chịu và phiền toái nhất cho người bị bệnh.

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, người bị viêm xoang cần hạn chế ăn đồ lạnh, mặc phong phanh và ra ngoài phải có khẩu trang.

Sốt xuất huyết

Giao mùa là lúc các vi khuẩn, virus sinh sôi và bùng phát mạnh mẽ, trong đó có virus gây sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết gây nguy hiểm cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là trẻ em và những người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Người bệnh gặp các dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn, đau mỏi người,… thường lầm tưởng bệnh cũ tái phát dẫn tới chủ quan không đi khám và điều trị. Khi bệnh trở nặng, diễn biến bệnh đã nguy hiểm hơn mới phát hiện và đến bệnh viện, khiến công tác điều trị gặp khó khăn, nhiều trường hợp đã không qua khỏi do sốt xuất huyết.

vnp-sot xuat huyet.jpg
Một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được điều trị. (Ảnh: Vietnam+)

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ cũng là loại bệnh thường xảy ra trong lúc giao mùa do vi khuẩn, virus tranh thủ xâm nhập vào cơ thể khi nó chưa kịp thích nghi. Đau mắt đỏ sẽ gây cho bệnh nhân những khó chịu vùng mắt như mắt đỏ ngầu, nước mắt giàn giụa, sưng nhức mắt… Và đặc biệt, khiến người mắc không thể tự tin khi giao tiếp.

Để phòng tránh, phải chú ý giữ vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt. Do bệnh dễ lây nên tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Không dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đồng thời nên đeo kính khi ra ngoài, nhỏ mắt hàng ngày, giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng. Nếu mắc bệnh cần nghỉ 7-10 ngày đẻ cách ly và điều trị dứt điểm, tránh lây lan sang người khác.

3. Một số biện pháp phòng bệnh khi giao mùa

Việc điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập thể dục hợp lý có thể giúp cơ thể thích nghi và duy trì sức khỏe tốt trong thời gian giao mùa. Bạn nên chú ý một số biện pháp phòng bệnh khi giao mùa dưới đây.

Giữ ấm cơ thể

Khi giao mùa, bạn nên giữ ấm cơ thể giúp thân nhiệt luôn được ổn định, mặc đủ ấm vào buổi sáng và buổi tối, đội mũ nón khi đi ra ngoài trời.

Uống nhiều nước

Giữ cơ thể đủ nước giúp loại bỏ độc tố, loại bỏ chất nhầy ra khỏi cơ thể và giữ ẩm cho đường mũi và cổ họng. Làm giảm cơ hội cho vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh.

uong nuoc.jpg
(Ảnh: iStock)

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục giúp bạn cải thiện lưu thông máu và tăng cường hệ miễn dịch. Giúp cơ thể trở lên khỏe mạnh, để chống lại virus và giảm nguy cơ nhiễm bệnh khi giao mùa.

Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý

Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bao gồm các loại thực phẩm giàu vitamin C và E như trái cây, rau xanh, và các loại hạt. Đồng thời, kết hợp với ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý để giữ cho cơ thể luôn trong trạng thái khỏe mạnh.

Vệ sinh đúng cách

Bạn nên rửa tay thường xuyên, tránh chạm vào các bề mặt công cộng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi và sử dụng khẩu trang khi cần thiết. Thói quen vệ sinh tốt giúp giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh tật.

Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nếu dùng tay che miệng thì nên rửa sạch với xà phòng. Đeo khẩu trang, tránh tụ tập nơi đông người khi có dịch.

Giữ môi trường sống sạch sẽ

Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là những nơi dễ tích tụ bụi và nấm mốc.

Tiêm phòng

Tiêm phòng cúm và các bệnh truyền nhiễm khác để bảo vệ cơ thể khỏi virus và vi khuẩn khi giao mùa.

Chẩn đoán kịp thời

Khi có triệu chứng sốt hoặc viêm nhiễm, bạn cần đến cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân bệnh và bắt đầu điều trị phù hợp. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển và gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các bệnh nhi thích thú vui chơi tại “Không gian cho em 2”. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Mở rộng "cánh cửa" hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Sự phát triển của y tế hiện đại và sự hỗ trợ của xã hội đã mở ra nhiều hy vọng hơn cho bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế, theo đó, tỷ lệ mắc bệnh được cứu sống tăng mạnh trong 20 năm qua.