Ban Tuyên huấn TW Cục miền Nam đón nhận danh hiệu Anh hùng

Lễ đón nhận danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân" của Chủ tịch nước tặng Ban Tuyên huấn TW Cục miền Nam, tổ chức ngày 15/4, ở TP.HCM.
Ban Tuyên huấn TW Cục miền Nam đón nhận danh hiệu Anh hùng ảnh 1 Ông Lê Hồng Anh gắn danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lên lá cờ truyền của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN )

Ngày 15/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân" của Chủ tịch nước phong tặng cho Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh đã trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân tặng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hồng Anh đã ghi nhận công lao to lớn của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã cống hiến máu xương vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ông Lê Hồng Anh đề nghị, phát huy truyền thống vẻ vang của mình, ngành tuyên giáo cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, kế tục xứng đáng những thành quả, bài học kinh nghiệm quý báu mà các thế hệ cha ông đã xây dựng. Đồng thời, các cán bộ, chiến sỹ, nhân viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tiếp tục phát huy truyền thống là những tấm gương sáng đóng góp xây dựng ngành tuyên giáo ngày càng phát triển vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhấn mạnh những thuận lợi, khó khăn và thách thức của cả nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, ông Lê Hồng Anh đề nghị, ngành tuyên giáo không ngừng đổi mới nội dung, theo sát gắn bó với cơ sở, học tập và phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác tư tưởng của các thế hệ đi trước tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Đảng về các vấn đề chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa học, nhằm góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, bảo vệ, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam, thay thế Xứ ủy Nam Bộ, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thường xuyên là Bộ Chính trị.

Sau đó, tháng 11/1961, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được thành lập, thực hiện các nhiệm vụ vừa theo dõi nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng, dư luận xã hội trên chiến trường miền Nam và tham mưu đề xuất với Trung ương Cục miền Nam về chủ trương, đường lối đấu tranh cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong đó tập trung thực hiện nhiệm vụ giáo dục và rèn luyện về chính trị, tư tưởng cho cán bộ đảng viên, cỗ vũ mọi tầng lớp nhân dân, các giới, các dân tộc ở miền Nam đứng lên đấu tranh giữ vững thành quả cách mạng, đập tan âm mưu dồn dân vào ấp chiến lược, chia rẽ lực lượng cách mạng, phá thế kìm kẹp của địch ở nông thôn, vạch trần tội ác, âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, nâng cao giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân.

Mặc dù trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, ác liệt của chiến trường miền Nam, đội ngũ cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam vẫn một lòng trung kiên, bất khuất, đã truyền ngọn lửa cách mạng tới quân và dân miền Nam trung dũng kiên cường, khẳng định niềm tin sắt đá của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ dù trải qua nhiều hy sinh gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.

Đặc biệt, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã tham mưu kịp thời về công tác chính trị tư tưởng trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt của cách mạng miền Nam như chống chiến tranh đặc biệt, chống chiến tranh cục bộ, chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và cách mạng miền Nam sau khi ký kết Hiệp định Paris…

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã huy động tất cả lực lượng chuyên môn theo các mũi tiến công vào Sài Gòn, vừa tác nghiệp vừa tiếp quản các mục tiêu được phân công.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có 548 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, 353 thương binh, hàng trăm chiến sỹ thi đua, dũng sỹ diệt Mỹ và Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Nhiều cán bộ chuyên viên, nhà giáo, cán bộ khoa học kỹ thuật cấp cao và văn nghệ sĩ nổi tiếng được tặng các phần thưởng cao quý.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các đơn vị thuộc Ban Tuyên huấn như Nhà in Trần Phú, Xưởng phim Giải phóng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước."

Riêng đối với Thông tấn xã Giải phóng được Trung ương Cục miền Nam tặng thưởng 16 chữ vàng “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.”

Đồng thời, với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Thông tấn xã Giải phóng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào việc Thông tấn xã Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục