Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Vương quốc Campuchia từ ngày 20-22/7, báo "Rasmei Kampuchea" (Tia sáng Campuchia) ngày 20/7 đã có bài viết dài đánh giá mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam-Campuchia trong suốt chặng đường lịch sử, qua đó nhấn mạnh chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện hai nước lên tầm cao mới vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, góp phần vào sự hòa bình, ổn định, quan hệ hợp tác phát triển trong khu vực và quốc tế.
Bài báo nhấn mạnh, hai nước Việt Nam-Campuchia vốn có mối quan hệ lâu đời. Hai nước đã kề vai sát cánh nhau chống lại kẻ thù chung để giành được độc lập. Trải qua những thử thách đầy chông gai, nước mắt và xương máu, quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày được củng cố và phát triển ngày càng vững chắc. Bài báo nêu rõ nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam, Campuchia đã giải phóng mình khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, với chiến thắng lịch sử 7/1/1979 để đem lại sự hồi sinh, phát triển cho người dân và đất nước như ngày nay.
Trải qua chẳng đường 50 năm lịch sử thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia đã gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực. Trong thập niên 90, quan hệ giữa hai nước đã có sự phát triển đáng ghi nhận qua các chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo cấp cao của cả hai nước; góp phần khẳng định và củng cố thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc thêm khăng khít và sâu rộng, lên tầm cao mới với sự chắc chắn và hiệu quả.
[Thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia lên tầm cao mới]
Những năm qua, để tiếp tục gìn giữ và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ láng giềng tốt, hữu nghị truyền thống trên mọi lĩnh vực, hai nước tiếp tục có các chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo hai nước. Cùng với đó là sự gắn kết thông qua mối quan hệ thân ái của người dân sống ở các tỉnh có chung đường biên giới; đặc biệt là qua các Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia và Campuchia-Việt Nam.
Trong lĩnh vực kinh tế, trao đổi giữa hai nước không ngừng phát triển. Nếu như, trong những năm 1997-1999, trao đổi thương mại giữa hai nước chỉ đạt mức khoảng 150 triệu USD/năm, thì đến giai đoạn 2005-2009, trao đổi thương mại tiếp tục tăng lên thêm 40%. Trong năm 2016, trao đổi thương mại song phương đạt 3 tỷ USD/năm. Còn trong quý 1/2017, trao đổi thương mại giữa hai nước đã đạt 1 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ 5 trong số các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Campuchia.
Hai nước cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp giúp đỡ nhau trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, giáo dục… Đồng thời, mối quan hệ hữu nghị truyền thống của hai nước cũng được thể hiện thông qua việc phối hợp, giúp đỡ nhau tại các diễn đàn của khu vực và quốc tế như: Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Hợp tác bốn nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayaoadi-Chaophaya-Mekong, ASEAN, ASEM, Liên hợp quốc, nhằm nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Người dân hai nước Việt Nam Campuchia luôn gìn giữ mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau, cùng nhau phát triển. Người dân hai nước Việt Nam và Campuchia luôn hiểu rõ và cùng nhau gìn giữ mối quan hệ hữu nghị truyền thống của hai dân tộc, góp phần vào sự ổn định, hòa bình cho khu vực.
Cùng với đó, bài báo cho rằng cần tăng cường cảnh giác và ngăn chặn kịp thời những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong và ngoài nước vốn sử dụng chiêu bài văn hóa bôi nhọ, phá hoại để gây tổn hại đến mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống của hai nước.
Bài báo kết luận rằng với truyền thống hợp tác trên mọi lĩnh vực, hỗ trợ, giúp đỡ nhau kịp thời và hiệu quả suốt 5 thập kỷ qua giữa hai bên, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, góp phần vào sự hòa bình, ổn định, quan hệ hợp tác phát triển trong khu vực và quốc tế./.