Ngày 23/1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo giới thiệu Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (BUR1).
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết trong quá trình tham gia Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 13 tại Bali (Indonesia) vào năm 2007, đến Hội nghị lần thứ 19 tại Warsaw (Ba Lan) vào năm 2013, các nước đang phát triển được khuyến khích xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển carbon thấp và tự nguyện thông báo cho Ban thư ký Công ước khí hậu các đề xuất, về Hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA).
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển các NAMA tại Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối của Chính phủ Việt Nam thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, đồng thời là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam, gửi tổ chức Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC) vào tháng 12/2014.
Việc hoàn thành xây dựng Báo cáo này góp phần thực hiện tốt nghĩa vụ của Việt Nam và cam kết với các nhà tài trợ, trong việc triển khai các chương trình Biến đổi khí hậu ưu tiên.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã giới thiệu tổng quan về Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam, cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.
Báo cáo này có bốn chương gồm Bối cảnh quốc gia; Kiểm kê quốc gia khí nhà kính năm 2010; Các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Nhu cầu tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực và trợ giúp nhận được cho các hoạt động biến đổi khí hậu.
Về Bối cảnh quốc gia có các thông tin về điều kiện tự nhiên (vị trí địa lý, khí hậu và kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, tài nguyên nước và môi trường); Kinh tế xã hội (dân số, nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, tăng trưởng kinh tế); Chiến lược phát triển bền vững.
Kiểm kê quốc gia khí nhà kính năm 2010 có nội dung về các nguồn phát thải; hấp thụ chính; kết quả kiểm kê khí nhà kính theo ngành; Tổng hợp phát thải, hấp thụ khí nhà kính năm 2010 và Ước tính phát thải khí nhà kính các năm 2020 và 2030.
Theo BUR1, trong năm 2010 tổng lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam là 246,8 triệu tấn CO2 tương đương, bao gồm lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và 266 triệu tấn CO2 tương đương không bao gồm LULUCF.
Phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất là 53,03% tổng lượng phát thải không tính LULUCF, tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp chiếm 33,20%. Phát thải từ các lĩnh vực quá trình công nghiệp hóa và chất thải tương ứng là 7,97% và 5,78%.
BUR1 còn có các phương án giảm nhẹ khí nhà kính trong từng lĩnh vực như năng lượng; nông nghiệp; LULUCF. Cùng với đó là những nhu cầu tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực và trợ giúp nhận được cho các hoạt động biến đổi khí hậu./.