Báo chí và doanh nghiệp đồng hành trong thời đại ''phi biên giới''

'Các cơ quan thông tin tiếp tục tích cực với tinh thần báo chí cách mạng, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển vững mạnh khi tham gia vào hội nhập quốc tế.'
Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2020: Cơ hội hợp tác phát triển từ “khủng hoảng COVID-19.” (Ảnh: PV/Vietnam+)
Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2020: Cơ hội hợp tác phát triển từ “khủng hoảng COVID-19.” (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dịch bệnh COVID-19 bất ngờ diễn ra và làm thay đổi cục diện chung về kinh tế-xã hội trên toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề.

Nhằm động viên, khích lệ các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ cộng đồng đồng thời, tôn vinh các nhà báo luôn đồng hành cùng doanh nghiệp-doanh nhân, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2020: Cơ hội hợp tác phát triển từ “khủng hoảng COVID-19” và Lễ phát động Chương trình Bình chọn tác phẩm báo chí viết về Doanh nhân-Doanh nghiệp và Môi trường kinh doanh lần thứ VIII.

Doanh nghiệp đang “thấm đòn” COVID-19

Tại diễn đàn, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhận định khi hai hiệp định thương mại đa phương thế hệ mới là CPTPP- Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và EVFTA-Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EU) vừa đi vào thực hiện lại bị chặn đứng bởi dịch bệnh COVID-19.

"Trong nước, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn nguyên liệu cộng thêm sự đứt gãy về xuất khẩu khiến tăng trưởng GDP trong quý 2 chỉ đạt 0,36% và 6 tháng là 1,81%. Một bức tranh không mấy sáng sủa với 30 triệu việc làm bị mất đi," ông Minh nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết Việt Nam vừa trải qua những ngày tháng khó khăn đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh kể cả “COVID y tế” và “COVID kinh tế.” Các tổ chức đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, các thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng và doanh nghiệp đang bị “thấm đòn” COVID-19. 

"Khả năng thanh khoản của doanh nghiệp đang giảm, công ăn việc làm của công nhân bị ảnh hưởng, đặc biệt 80% doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng của đại dịch. Về chính sách, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Chính phủ vẫn sớm đưa ra các gói hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch là nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn quyết tâm đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 3% đến 4% nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân," ông Lộc nói. 

Báo chí và doanh nghiệp đồng hành trong thời đại ''phi biên giới'' ảnh 1Sứ mệnh của báo chí là phản ánh sự thật, tôn vinh sự thật với một vị thế đàng hoàng. (Ảnh:PV/Vietnam+)

Để vượt qua giai đoạn này, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng Việt Nam cần tận dụng ưu thế khi thoát khỏi COVID-19 và phục hồi sớm, đây là một cơ hội lớn.  

“Thời điểm này, doanh nghiệp trong nước đang dần phục hồi với một tinh thần mới. Mặc dù, phần đông các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước bờ vực suy sụp, song hầu hết trong số họ vẫn tin tưởng có thể gượng dậy, đứng vững và phát triển,” ông Lợi nói.

Thông tin chính xác là "sinh tử" của doanh nghiệp

Trong bối cảnh đó, ông Lê Mạnh Hùng-Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh rằng vai trò của truyền thông trong quá trình phát triển của một doanh nghiệp là không thể thiếu, có tính chất tương hỗ lẫn nhau

"Trong bối cảnh dịch COVID-19, báo chí đã đóng vai trò là diễn giả, đề xuất với Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi mong rằng các cơ quan thông tin tiếp tục tích cực với tinh thần báo chí cách mạng, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển vững mạnh khi tham gia vào hội nhập quốc tế," ông Hùng chia sẻ. 

Khẳng định vai trò của lực lượng báo chí trong mối quan hệ tương hỗ với doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình mới. Ông Lợi nhấn mạnh báo chí dù nhỏ, dù lớn đều quan tâm truyền tải thông tin về các hoạt động kinh tế trong xã hội. Doanh nghiệp làm ăn bình thường vốn đã rất khó và tại thời điểm khủng hoảng COVID-19 thì càng thách thức hơn. Do đó, khi các doanh nghiệp tiên phong trên mặt trận kinh tế thì báo chí sẽ đồng hành tiên phong trên mặt trận tư tưởng thông tin.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu:

“Trong thời đại thông tin đa chiều, đa phương tiện, mọi người đều có thể tham gia vào mạng xã hội, sứ mệnh của họ là phản ánh sự thật, tôn vinh sự thật với một vị thế đàng hoàng. Bên cạnh đó, báo chí có một trách nhiệm rất lớn, đó là phải phục vụ công tác lãnh đạo điều hành của Chính phủ, của các ngành để đất nước huy động được cao nhất, hiệu quả nhất tất cả nguồn lực, từ đó tạo được động lực mới, giúp toàn bộ nền kinh tế của khởi sắc, phục hồi và phát triển,” ông Lợi nhấn mạnh.

Trên thực tế, báo chí đã khẳng định được vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua các hoạt động thông tin giúp Chính phủ và các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành...

Trong bối cảnh hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng báo chí cần phải có trách nhiệm hơn trong truyền thông, nguồn thông tin cần phải cập nhật và đa chiều. Bởi Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập, các hoạt động kinh tế không chỉ tuân thủ cam kết mà phải biết vận dụng những không gian thích hợp. Do đó, báo chí khi đưa tin về những vụ việc của doanh nghiệp liên quan thị trường quốc tế, cần lưu ý bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông nhấn mạnh: “Thông tin chính xác hay không là vấn đề sinh tử với doanh nghiệp. Nguồn tin hay sẽ có thể giúp hồi sinh một doanh nghiệp, nhưng một tin dở có thể đẩy doanh nghiệp vào vực thẳm.”

Một thực tế khác không thể không nhìn nhận, cũng như doanh nghiệp, báo chí đang chịu các sức ép cạnh tranh mạnh mẽ trong một “thế giới phẳng,” công chúng không còn tiếp cận thông tin một chiều như trước, giờ đây họ đã có thể tương tác mạnh mẽ với báo chí thông qua các mạng thông tin xã hội.

Và “có thực mới vực được đạo,” báo chí cũng cần phải hoạt động kinh doanh hiệu quả mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông phát triển đất nước, đưa đến cho độc giả nguồn thông tin “nóng hổi,” trung thực, đa chiều.

Tại diễn đàn, nhà báo Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập VietnamPlus thông tin về cuốn sách “Đổi mới sáng tạo trong báo chí hiện nay” và đề cập đại dịch COVID-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, song báo chí cũng khó khăn không kém về doanh thu quảng cáo.

Đưa ra câu chuyện đã diễn ra trong thực tế và cảnh báo về xu hướng có thể lan rộng trong tương lai, nhà báo Hoàng Nhật cho biết một số doanh nghiệp của Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận và truyền thông trên các tờ báo lớn quốc tế. Theo đó, các tờ báo lớn, nhỏ trong nước lại đua nhau tiếp cận thông tin và dịch lại bài.

“Hiện nay, có một thực tế là không ít báo chí tại Việt Nam đang đi nhặt mảnh vụn của những chiếc bánh mỳ,” ông Nhật nói.

Theo ông Nhật, trong tương lai của báo chí có thể sẽ trở thành là mô hình hoạt động đa dạng hóa. Một số tờ báo quốc tế, như Thời báo Quảng Châu đã chuyển sang mô hình đa ngành, từ cho thuê bất động sản, đầu tư tài chính, triển lãm, làm thương mại điện tử, logistics… Trong nước, nhiều tờ báo cũng bắt đầu phát triển theo hướng mới. Không chấp nhận “ăn những vụn bánh mỳ” nữa, các tờ báo này đã đóng luôn vai trò của đại lý truyền thông, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng.

Vấn đề đặt ra, theo ông Nhật, trong vòng tròn đạo đức kinh doanh, truyền thông phải bền vững, chộp giật sẽ không được doanh nghiệp tin tưởng. Báo chí cần đi theo hướng chất lượng cao, hình thức thể hiện mới và phong phú.

“Báo điện Vietnamplus ra đời năm 2008, song đến nay đã có 8 năm liên tục giành giải báo chí Quốc gia, từ đó các doanh nghiệp lớn tìm đến đặt hàng, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với các sản phẩm chất lượng cao như Megastory, tương tự như các sản phẩm như Longform, Multimedia,… tại các tờ báo khác,” ông Nhật chia sẻ.

Nhà báo Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập VietnamPlus phát biểu:

Trong khuôn khổ chương trình, Bna tổ chức đã phát động Chương trình Bình chọn tác phẩm Báo chí viết về Doanh nhân-Doanh nghiệp và Môi trường Kinh doanh lần thứ VIII năm 2020. Theo đó, các tác phẩm báo chí dự thi đã được sử dụng từ ngày 13/10/2019 đến 15/9/2020 trên các phương tiện thông tin đại chúng, các thể loại bao gồm: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, bút ký báo chí...

Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm tham dự Giải, thời gian nhận tác phẩm từ 15/7-15/9 (tính theo dấu bưu điện).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục