Bảo đảm ổn định tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Tiếp tục Phiên họp thứ 27, sáng 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Bảo đảm ổn định tổ chức và hoạt động của Quốc hội ảnh 1Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương phát biểu ý kiến. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục Phiên họp thứ 27, sáng 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Tờ trình về việc chuẩn bị dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) nhấn mạnh việc sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của Quốc hội; kế thừa và phát triển Luật tổ chức Quốc hội hiện hành; bảo đảm sự ổn định, đồng bộ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Dự thảo Luật trình lần này có sự điều chỉnh lớn về bố cục so với Luật hiện hành, gồm 6 chương với 133 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội; hoạt động của Quốc hội và kỳ họp Quốc hội (Chương I); Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội (Chương II); Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội (Chương III); đại biểu Quốc hội (Chương IV), các cơ quan thuộc Quốc hội (Chương V) và điều khoản thi hành (Chương VI).

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai và nhiều ý kiến khác đề nghị trong lần sửa đổi này nên pháp điển một bước các quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để thuận tiện cho việc thực hiện.

Theo đó, cần nghiên cứu thu hút các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức công việc, mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác trong Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội vào Luật tổ chức Quốc hội.

Các nội dung chi tiết về trình tự, thủ tục, lề lối làm việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ quy định trong các văn bản khác.

Bàn về số lượng các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Kim Khoa tán thành với phương án một do Ban soạn thảo đề xuất, tiếp tục quy định cụ thể về số lượng, tên gọi các Ủy ban cùng lĩnh vực được phân công phụ trách như cách quy định của Luật tổ chức Quốc hội hiện hành. Đồng thời tăng cường chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguồn lực để các Ủy ban đảm bảo hoạt động.

Đại biểu cho rằng cần có những quy định để làm rõ chức năng và tăng cường vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Trên cơ sở đánh giá vai trò đặc thù của Hội đồng Dân tộc, một số ý kiến cho rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu, thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc cũng như những nét khác biệt của Hội đồng Dân tộc so với các Ủy ban của Quốc hội trong dự thảo Luật.

Nhận xét Hội đồng Dân tộc là một thiết chế đặc biệt của Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu phương án bổ sung thêm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện là người dân tộc vào Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Số lượng và thành phần đại biểu bổ sung do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Những đại biểu này được tham gia vào hoạt động của Hội đồng Dân tộc và nói lên tiếng nói của dân tộc mình.

Đồng thời đại biểu Ksor Phước đề nghị bổ sung thêm nội dung Hội đồng Dân tộc được thẩm tra các dự án về chính sách dân tộc và các dự án khác có liên quan tới vấn đề dân tộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị dự thảo luật cần thể chế hóa các nội dung quy định trong Hiến pháp năm 2013 về Hội đồng Dân tộc.

Cụ thể, dự thảo luận cần quy định việc Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc...

Xung quanh nội dung Đoàn đại biểu Quốc hội, theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội hiện hành, Đoàn đại biểu Quốc hội không phải là một cơ quan của Quốc hội mà chỉ là hình thức phối hợp hoạt động của các đại biểu Quốc hội được bầu trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ đại biểu, đặc biệt là trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội có trụ sở, Văn phòng giúp việc và có kinh phí hoạt động theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một số ý kiến đề nghị giữ như Luật tổ chức Quốc hội hiện hành, chỉ coi đây là một hình thức để đại biểu Quốc hội cùng được bầu trong một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các hoạt động của đại biểu.

Trong điều kiện đa số đại biểu Quốc hội vẫn hoạt động kiêm nhiệm, chưa có cơ chế để đại biểu Quốc hội có bộ phận giúp việc riêng thì cần tái lập, tăng cường bộ máy, năng lực cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương để giúp việc chung cho các đại biểu Quốc hội được bầu trong cùng địa bàn cấp tỉnh.

Có ý kiến đề nghị cần tăng trách nhiệm của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và mối quan hệ của Trưởng đoàn với với địa phương để tăng tính hiệu quả trong hoạt động của Đoàn đại biểu.

Tại phiên họp buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những vấn đề cụ thể như việc nâng cấp Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng bầu cử quốc gia và việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội...

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện dự án Luật để gửi xin ý kiến của Chính phủ và gửi đến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật sẽ được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng Năm).

Theo chương trình, buổi chiều 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục