Bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp

Một số đại biểu cho rằng kinh doanh có điều kiện, dù được quản lý chặt những rất dễ nảy sinh những biến tướng như kinh doanh cầm đồ, công ty cho vay tài chính, cho vay hỗ trợ sinh viên...
Bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp ảnh 1Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, Quảng Nam, Trà Vinh và Bình Định thảo luận tại tổ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 15/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014 nhằm xử lý một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư, đồng thời khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện...

Quy định về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Một số đại biểu cho rằng kinh doanh có điều kiện, dù được quản lý chặt những rất dễ nảy sinh những biến tướng như kinh doanh cầm đồ, công ty cho vay tài chính, cho vay hỗ trợ sinh viên...

Bản chất những loại hình này là cho vay nặng lãi, có hoặc không có giấy tờ cũng được cầm đồ. Vì thế, nếu quản lý không chặt chẽ, những loại hình này sẽ trở thành mầm mống sinh tội phạm, đằng sau đó chính là xã hội đen.

[Luật Đầu tư: Cân nhắc dịch vụ đòi nợ, cấm việc mua bán bào thai]

Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo đánh giá kỹ hiệu quả kinh tế-xã hội, an ninh trật tự xã hội đối với nội dung kinh doanh có biểu hiện biến tướng trên.

Cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính tương thích với một số quy định của các luật mới ban hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế.

Một số ý kiến nhất trí bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), không nên đưa hộ kinh doanh vào luật mà có một nghị định riêng. Sau một thời gian thực hiện, nếu nghị định này có hiệu lực và hiệu quả về mặt pháp luật, thực tiễn sẽ nâng lên thành một luật riêng về kinh tế hộ gia đình.

Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó nhiều ý kiến tập trung phân tích về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

Chính phủ trình 2 phương án: Phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

Một số đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 1 như Chính phủ trình, cho rằng cách làm như vậy bảo đảm để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra thực hiện đúng và đầy đủ chức năng; phát huy cao độ được trách nhiệm của các cơ quan; bảo đảm trong suốt quá trình xem xét, thông qua luật, các chính sách phát sinh đều được phản biện, thẩm tra đầy đủ.

Cơ quan soạn thảo sẽ thực hiện soạn thảo đến cùng, bảo đảm được tính liên tục, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo, trình cho đến khâu giải trình bảo vệ và chỉnh lý, hoàn thiện. Cơ quan thẩm tra thực hiện thẩm tra đến cùng, kể cả đối với những chính sách đã thay đổi trong quá trình tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự án luật.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay (như Phương án 2 của Chính phủ), đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đề cao trách nhiệm của từng chủ thể... để tránh xáo trộn trong việc tổ chức thực hiện và bảo đảm thuận lợi cho việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự án trình Quốc hội thông qua.

Các đại biểu nhấn mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động xây dựng pháp luật rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng văn bản. Quy định của Luật hiện hành vẫn đang phát huy tác dụng nhưng công tác phối hợp trong quy trình xây dựng pháp luật cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Do đó, cần phải có sự đổi mới, cải tiến về quy trình, cách làm theo hướng hiệu quả, thực chất hơn để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác phối hợp hiện nay, bảo đảm thực hiện đúng kết luận của Ban Bí thư về việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy trình xây dựng pháp luật theo hướng nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và sự phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua, ban hành luật.

Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận ở tổ về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), trong đó tập trung vào các nội dung về độ tuổi thanh niên, về quản lý nhà nước về thanh niên.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.