Một lò giết mổ lợn ở Bình Dương đã “táo tợn” đánh tráo số lợn bị nhiễm chất cấm để đưa vào giết mổ, bán ra thị trường.
Đây là vụ việc gây rúng động dư luận và cũng tăng thêm hồi chuông cảnh báo về chất cấm vẫn còn tồn tại dai dẳng trong chăn nuôi và giết mổ hiện nay.
Trước đó, ngày 11/5, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương đã bất ngờ kiểm tra tại cơ sở giết mổ của ông Phan Văn Chiến (ở khu phố 2, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương).
Tại đây, lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước tiểu 9 con lợn đang tập kết trong chuồng chuẩn bị đưa vào giết mổ.
Vụ việc đã được lập biên bản, lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm. Số lợn gồm 9 con đã được quan chức năng đóng dấu chờ kiểm tra.
Đến ngày 13/5, Cơ quan Thú y Bình Dương đã có kết quả kiểm tra từ việc xét nghiệm mẫu nước tiểu do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương II.
Kết quả cho thấy, toàn bộ lô lợn gồm 9 con đang tập kết tại lò mổ của ông Chiến bị dương tính với chất cấm Salbutamol với hàm lượng lên đến 64,5 ppb.
Từ kết quả trên, ngày 14/5, cơ quan thú y tỉnh Bình Dương đã tức tốc làm việc với cơ sở giết mổ của ông Chiến.
Thế nhưng, tại đây, 5/9 con lợn đã bị ông Chiến đánh tráo để đưa vào giết mổ và bán ra thị trường.
Cơ quan chức năng đã phải nhanh chóng truy xuất, thu giữ lô thịt lợn nhiễm chất cấm; đồng thời nghiêm cấm sử dụng.
Đây chưa phải là vụ việc gây lo ngại duy nhất, bởi cùng tại thời điểm trên một cơ sở giết mổ khác do ông Đỗ Văn Thuyên làm chủ địa bàn thị xã Bến Cát vừa được phát hiện cả đàn lợn trong lò mổ dính toàn bộ chất cấm.
Cụ thể, tổng đàn lợn 15 con của ông Đỗ Văn Thuyên đã được nhập về lò giết mổ gia súc, gia cầm An Điền (thị xã Bến Cát). Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương đã lấy mẫu nước tiểu để phân tích.
Kết quả có từ ngày 13/5, toàn bộ số lợn của cơ sở ông Thuyên đều dương tính với chất cấm Salbutamol với hàm lượng 49,4 ppb.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương đã đề nghị mức xử lý đối với ông Phan Văn Chiến (ở khu phố 2, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) với mức phạt tiền là 12,5 triệu đồng đối với hành vi giết mổ động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi và 2,5 triệu đồng với hành vi đánh tráo hoặc làm thay đổi số lượng động vật, sản phẩm động vật đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch bằng động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm dịch theo quy định.
Riêng ông Đỗ Văn Thuyên đã có hành vi vi phạm giết mổ động vật chứa cấm sử dụng trong chăn nuôi tại điểm h khoản 2 điều 13 của Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính Phủ với mức phạt 12,5 triệu đồng.
Ngoài việc xử phạt, ông Phan Văn Chiến và Đỗ Văn Thuyên còn phải chịu chi phí xét nghiệm và chi phí tiêu hủy toàn bộ số heo bị phát hiện dương tính với chất cấm Salbutamol.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú ý và Thủy sản tỉnh Bình Dương, đến cuối tháng Tư năm 2016, tình hình sử dụng chất cấm đã bắt đầu lắng dịu, nhiều trang trại, chủ cơ sở qua kiểm tra đã giảm rõ rệt, số mẫu lấy test nhanh nước tiểu lợn tại các hộ chăn nuôi đã không còn chất cấm nhiều như hồi trước Tết.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cũng cho biết, khác với thời điểm 3 tháng đầu năm, số vụ phát hiện chất cấm trong thời gian đã giảm đáng kể. Đây là dấu hiệu cho thấy chất cấm đang từng bước bị ngăn chặn và hạn chế trong chăn nuôi.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao gần đây cơ quan chức năng lại liên tiếp phát hiện các cơ sở giết mổ trên địa bàn thị xã Bến Cát dính đến chất cấm. Đây là dấu hỏi lớn cần được cơ quan chức năng làm rõ để có biện pháp chăn chặn, triệt xóa không để chất cấm còn đường tồn tại.
Tại buổi làm việc với ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương mới đây, đoàn thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông tin trong tổng số lượng chất cấm 9.369 kg (hơn 9 tấn) được cơ quan chức năng cho phép nhập khẩu về Việt Nam; trong đó có việc tiêu thụ không đúng đối tượng được xác định là hơn 6 tấn (cụ thể là 6.268kg).
Đến nay, số chất cấm tiêu thụ “sai mục đích” đã thu hồi lại được một phần 2.050kg. Trong khi đó, một số lượng lớn chất cấm còn đang “rơi rớt” trên thị trường./.