Những tháng đầu năm 2020, COVID-19 thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của không chỉ ngành du lịch Việt Nam mà còn phủ “bóng đen” lên kinh tế toàn cầu.
Tình thế này đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lâm vào cảnh “chết lâm sàng” và đẩy hầu hết người lao động trong ngành du lịch trở nên thất nghiệp, phải chật vật mưu sinh. Vậy đến bao giờ “ngành công nghiệp không khói” này mới có thể phục hồi và cần phải có những chính sách gì để hỗ trợ những người làm du lịch vượt qua cơn “bạo bệnh”?
[Hướng dẫn viên du lịch làm gì để mưu sinh giữa ''cơn bão COVID-19''?]
Dự báo từ thế giới…
Theo Oxford Economics-Tập đoàn tư vấn kinh tế hàng đầu thế giới, kịch bản để du lịch toàn cầu phục hồi như thời điểm năm 2019 là đến năm 2022. Dự báo này được Oxford Economics đưa ra trên cơ sở nghiên cứu các tập đoàn, điểm đến và nền kinh tế của hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Oxford Economics cho rằng năm 2021, do tác động của dịch COVID-19, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ không thể phục hồi lại mức độ suy giảm năm 2020 mà phải kéo dài sang năm 2022. Bởi chính sách hạn chế đi lại của các quốc gia dẫn đến số lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019.
Trước đó, Oxford Economics dự báo nếu COVID-19 kéo dài 8 tháng, ngành du lịch toàn cầu có thể thiệt hại 49 tỷ USD và thậm chí là 73 tỷ USD nếu dịch bệnh hoành hành lâu hơn. Điều này cũng có nghĩa, thế giới sẽ mất ít nhất là gấp đôi thời gian để phục hồi, tức là vào năm 2022.
Những diễn biến phức tạp của đại dịch khiến ngành du lịch toàn cầu bị “đóng băng.” Vì thế, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đã ra thông cáo kêu gọi chính phủ các nước hành động ngay để hỗ trợ “ngành công nghiệp không khói” này.
Bởi theo thống kê của WTTC, ngành du lịch và lữ hành hiện đóng góp 10,4% GDP toàn cầu và 320 triệu việc làm (tương ứng cứ 5 việc làm mới thì có một công việc trong ngành du lịch). Đặc biệt, trong 8 năm liên tiếp, ngành du lịch đã tăng trưởng ở mức cao hơn kinh tế toàn cầu.
Với vai trò và đóng góp quan trọng đó trong nền kinh tế, Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới Gloria Guevara đã đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm bảo vệ hàng triệu lao động du lịch toàn cầu đang bị đe dọa mất việc làm.
Giải pháp hàng đầu là trợ cấp tài chính nhằm đảm bảo thu nhập cho những lao động trong các ngành nghề đang thiệt hại nghiêm trọng nhất. Thứ hai, cung cấp những gói vay miễn lãi và dài hạn cho những doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tránh phá sản.
Và cuối cùng là áp dụng chính sách miễn các loại thuế, phí cùng những yêu cầu tài chính khác cho ngành du lịch, ít nhất trong 12 tháng sắp tới.
Những giải pháp mạnh mẽ và kịp thời lúc này của các chính phủ được kỳ vọng không chỉ cứu các doanh nghiệp du lịch khỏi nguy cơ phá sản mà còn góp phần ngăn cuộc khủng hoảng y tế mang tên COVID-19 trở thành thảm họa kinh tế.
[Cách nào giúp “phá băng” cho ngành du lịch sau đại dịch COVID-19?]
…đến Việt Nam
Trong khi đó, ở trong nước, tình hình kinh doanh du lịch cũng lâm cảnh “chợ chiều,” khi hàng loạt doanh nghiệp phải ngưng hoạt động. Thực trạng này đối lập hoàn toàn với năm 2019, khi mà “ngành kinh tế không khói” nước nhà vừa mới hân hoan ăn mừng kết quả tăng trưởng chưa từng có khi cán mốc 18 triệu du khách quốc tế cùng hàng loạt giải thưởng “Nhất” mà thế giới trao tặng.
Các chuyên gia dự báo tháng Tư này, lượng khách quốc tế đến sẽ “chạm đáy” (trước đó, tháng Ba đã giảm 68% so cùng kỳ 2019). Do những diễn biến ngày càng phức tạp của COVID-19 nên hầu hết các nước trên thế giới đã tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Khách nội địa cũng chỉ còn “du lịch qua màn ảnh nhỏ” khiến tình hình càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Với tình hình này, ông Lê Tuấn Anh-Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch), nhận định “du lịch Việt Nam sẽ phục hồi phụ thuộc vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 được khống chế trên thế giới.”
Theo ông Tuấn Anh, nếu đại dịch kết thúc cuối tháng 6/2020, thì du lịch Việt sẽ phục hồi dần vào cuối năm, nhưng còn thấp và tổng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2020 có thể giảm tới 70% so với năm 2019, chỉ còn khoảng 5,5 triệu lượt.
“Khách chủ yếu sẽ là các thị trường gần trong khu vực, bởi tình hình dịch bệnh châu Á đang có nhiều dấu hiệu lạc quan, khả năng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia...,” ông Tuấn Anh phân tích.
Bên cạnh đó, nếu dịch kết thúc cuối tháng 9/2020 thì lượng khách du lịch quốc tế đến năm 2020 sẽ giảm khoảng 75%, chỉ còn 4,6 triệu lượt.Nếu tình hình diễn biến xấu hơn, dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc khi hết tháng 12/2020, thì từ tháng 4-12/2020 Việt Nam gần như sẽ không có khách du lịch quốc tế đến.
Điều đó đồng nghĩa tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 80% so với năm 2019, chỉ dừng lại ở con số của 3 tháng đầu năm với 3,7 triệu lượt.
Theo đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia đánh giá, ngành du lịch có thể sẽ phải cần tới 12-18 tháng mới hồi phục hoàn toàn, bắt đầu từ thị trường nội địa, sau tới thị trường khách Trung Quốc, rồi các nước châu Á khác và thị trường Âu, Mỹ.
Chưa ai dám khẳng định bao giờ dịch bệnh COVID-19 kết thúc, chỉ biết rằng những hệ lụy khôn lường mà nó gây ra đang ngày ngày hiện hữu khắp nơi. Nhiều doanh nghiệp du lịch phá sản; nhiều giám đốc ngậm ngùi “chuyển đổi mô hình kinh tế;” hàng loạt khách sạn, nhà hàng cửa đóng then cài; hướng dẫn viên phải xoay đủ nghề để mưu sinh…
Không thể ngồi chờ dịch đi qua
Trước tình hình cấp bách đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề xuất lên chính phủ bổ sung các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sau khi lắng nghe kiến nghị của các địa phương và doanh nghiệp.
Theo đó, bộ này đề xuất miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý I, II và III năm 2020; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý IV/2020 và quý I/2021.
Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp du lịch và hướng dẫn viên du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2019-2020 đến hết tháng 6/2021; giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh...
Bộ cũng đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour. Gói tài chính này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12-18 tháng, với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.
Trước mắt, Thủ tướng đã thông qua đề xuất áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ.
Theo đó, đối với các cơ sở lưu trú du lịch, Bộ Công thương điều chỉnh đối với các cơ sở lưu trú du lịch (theo quy định của Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan) giảm giá điện từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá áp cho các ngành sản xuất sau khi giảm giá.
Với khởi đầu này, nhiều đơn vị du lịch bày tỏ hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục được chính phủ quan tâm, hỗ trợ để có thể sớm vực dậy doanh nghiệp sau khi dịch bệnh kết thúc./.