Chất lượng dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện với người tham gia. Số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng qua các năm; số người tham gia bảo hiểm y tế vượt mục tiêu đề ra, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Đây là những kết quả nổi bật của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam qua 27 năm xây dựng và phát triển (16/2/1995-16/2/2022).
Mạng lưới an sinh xã hội ngày càng mở rộng
Hơn 2 năm qua, mặc dù chịu tác động không nhỏ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song, điểm đáng chú ý là diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn liên tục được mở rộng.
Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng trưởng ấn tượng, cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã tập trung vào các nhóm yếu thế.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, năm 1995, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 2,3 triệu người đã tăng lên 12,1 triệu người vào năm 2015 (gấp 5,3 lần so với năm 1995); đạt 15,1 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,25 lần so với năm 2015).
So với năm 1995, đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 12,8 triệu người (gấp gần 6,6 lần), bình quân mỗi năm tăng 0,5 triệu người.
[Hơn 370 tỷ đồng hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp]
Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên gần 218 nghìn người vào năm 2015 (gấp 36,3 lần so với năm 2008); đạt 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp 6,65 lần so với năm 2015).
So với năm 2008 - năm đầu tiên thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 1,4 triệu người (gấp 241,7 lần), bình quân mỗi năm tăng trên 100 nghìn người.
Nếu như năm 1995, số người tham gia bảo hiểm y tế là 7,1 triệu người thì 10 năm sau đã lên đến 70 triệu người (gấp 9,86 lần) và đạt 88,8 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,27 lần so với năm 2015), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.
So với năm 1995, đến nay, số người tham gia bảo hiểm y tế tăng 81,7 triệu người (gấp 12,5 lần), bình quân mỗi năm tăng hơn 3 triệu người.
Con số tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng trưởng ấn tượng, từ gần 6 triệu người năm 2009 lên 10,3 triệu người vào năm 2015 (gấp 1,7 lần so với năm 1995); đạt 13,4 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,3 lần so với năm 2015).
So với năm 2009 - năm đầu tiên chính sách bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng, đến nay, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 7,41 triệu người (gấp 2,24 lần), bình quân mỗi năm tăng 0,6 triệu người.
Có thể thấy, cùng với 27 năm xây dựng và phát triển của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng trưởng nhanh qua từng năm, số người tham gia bảo hiểm y tế đã tiệm cận mục tiêu bao phủ toàn dân, góp phần mở rộng hiệu quả lưới an sinh xã hội tới mọi người dân, người lao động, củng cố vững chắc nền an sinh xã hội của đất nước.
Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội ngày càng tăng, theo đó, tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho bảo hiểm xã hội ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội.
Lấy người thụ hưởng chính sách làm trung tâm
Song hành với công tác phát triển đối tượng, công tác giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Toàn ngành đã chuyển đổi hiệu quả phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đảm bảo nguyên tắc "đóng-hưởng."
Phương thức hoạt động của hệ thống ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công ích, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và nhân dân.
Đặc biệt, năm 2020-2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn theo sát diễn biến thực tế, thích ứng nhanh, linh hoạt với tình hình dịch bệnh để triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia.
Tính từ năm 1995 đến hết năm 2021, toàn ngành đã giải quyết cho khoảng 135,7 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 5 triệu lượt người hưởng); từ năm 2010 đến hết năm 2021 giải quyết cho trên 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Đến cuối năm 2021, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khoảng 3,3 triệu người (tăng 179% so với năm 1995). Từ năm 2003 đến 2021, toàn ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 2.217 triệu lượt người.
Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, lao động, việc làm của người dân và người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động tích cực và quyết liệt tham gia cùng các bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhất là các Nghị quyết số 42/NQ-CP, số 68/NQ-CP và số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Với sự vào cuộc quyết liệt, toàn ngành đã tập trung mọi nguồn lực sẵn có để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; phát huy lợi thế của hệ thống công nghệ thông tin, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian chi trả. Các chính sách hỗ trợ đã được triển khai đạt kết quả tốt, góp phần hỗ trợ hàng chục triệu người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, tổng số tiền Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai hỗ trợ theo các gói hỗ trợ của Chính phủ được quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/2020/NQ-CP; Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP từ các Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tới người lao động và người sử dụng lao động là gần 44.786 tỷ đồng.
Trong số đó, nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là hơn 38.000 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp là 4.322 tỷ đồng; Quỹ Hưu trí và tử tuất là 1.905 tỷ đồng.
Triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/2020/NQ-CP của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất đối với 1.846 đơn vị, tương ứng 192.503 lao động với số tiền trên 786 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của doanh nghiệp đối với 168.163 lao động; xác nhận danh sách người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 của đơn vị, doanh nghiệp là 585 lao động.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, chỉ sau 7 ngày, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị, tương ứng 11,2 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng. Đã giải quyết cho 851 đơn vị (với 161.531 lao động) tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất với số tiền trên 1.119 tỷ đồng. Xác nhận danh sách cho gần 3,1 triệu lao động tại 71.142 đơn vị để hưởng các chính sách hỗ trợ gồm: hỗ trợ ngừng việc; đào tạo, bồi dưỡng, duy trì việc làm; vay vốn, trả lương ngừng việc; vay vốn phục hồi sản xuất.
Đối với Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, chỉ sau 5 ngày, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng (giảm từ 1% xuống 0%) vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động với số tiền khoảng 7.595 tỷ đồng. Đã chi hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 12,9 triệu lao động với số tiền hơn 30,73 nghìn tỷ đồng.
Những kết quả trên cho thấy quyết tâm chính trị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong mọi giai đoạn là luôn ưu tiên đặt công tác đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách làm trung tâm, thay đổi căn bản phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, trên cơ sở nguyên tắc đóng- hưởng; quyền lợi an sinh của người tham gia luôn được quan tâm đảm bảo kịp thời, đúng quy định và càng được đảm bảo tốt hơn trong đại dịch, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của người dân, người lao động đối với các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước./.