Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tự tin và vững chắc hơn khi tiến hành hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế.
Chính vì vậy, hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài cũng theo đó không ngừng gia tăng; đóng góp không nhỏ cho quá trình gia nhập thị trường nước ngoài cũng như quảng bá các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.
Thúc đẩy bảo hộ sản phẩm Việt
Theo thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), những năm gần đây, số lượng đơn liên quan đến việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam qua Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu (giải pháp đăng ký và quản lý nhãn hiệu trên toàn thế giới) liên tục tăng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam tại các địa phương trên cả nước hiện còn khá lúng túng, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, nộp và theo đuổi hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài.
Là thành phố luôn đi đầu cả nước trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Quyết định của Chính phủ và các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng, là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo vệ lợi ích quốc gia.
[DN Việt chưa hiểu về bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Trung Quốc]
Đặc biệt, hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống của Hà Nội đã và đang được đẩy mạnh, rộng khắp các địa phương của Thủ đô.
Các sản phẩm sau khi được bảo hộ có giá trị gia tăng hơn trước, giúp thay đổi nhận thức của người dân về thói quen canh tác, sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hỗ trợ hình thành và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã, hội làng nghề gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia trong Xây dựng Nông thôn mới, Chương trình Mỗi Xã Một Sản phẩm.
Trong những năm qua, hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống của Hà Nội đã được đẩy mạnh, rộng khắp các địa phương của Thủ đô.
Đến nay, Hà Nội có gần 100 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 2 sản phẩm đang được thẩm định bảo hộ chỉ dẫn địa lý là Gà mía Sơn Tây và Bưởi đường La Tinh (Hoài Đức), dự kiến kế hoạch năm 2024 tiếp tục hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai).
Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ đã nhận được sự quan tâm của các đối tác nước ngoài nhờ có dấu hiệu nhận diện đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng, phải kể đến là Mây Tre đan Phú Nghĩa; sản phẩm Sơn mài Hạ Thái-Duyên Thái; Tranh Thêu tay Thường Tín; Giày da Phú Yên-Phú Xuyên; Nhãn chín muộn Quốc Oai; Chuối Vân Nam…
Sơn La cũng được biết đến là một trong những địa phương năng động và đi đầu trong công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh để vươn ra thị trường quốc tế.
Về vấn đề này, ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, cho biết tỉnh Sơn La hiện là địa phương đứng thứ 2 cả nước về diện tích trồng cây ăn quả.
Quá trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực của tỉnh thời gian qua đã góp phần tăng thu nhập cho người dân. Nông sản có giá bán cao hơn so với trước khi chưa có thương hiệu.
Nhờ vậy, nhận thức của người dân về thói quen canh tác lạc hậu sang ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất sản phẩm hàng hóa theo thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu sản phẩm.
Tính đến hết tháng 8/2022, toàn tỉnh Sơn La có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm 3 chỉ dẫn địa lý (Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả Xoài tròn của huyện Yên Châu, Càphê Sơn La); 18 nhãn hiệu chứng nhận (Chè Ô long Mộc Châu, Nhãn Sông Mã, Cam Phù Yên, Sơn tra Sơn La, Na Mai Sơn, Nếp Mường Và, Xoài Sơn La, Cá sông Đà, Mận Sơn La..) và 3 nhãn hiệu tập thể là Mật ong Sơn La; Chè Tà Xùa; Khoai sọ Thuận Châu.
Đặc biệt tỉnh Sơn La còn có một số sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài. Chè Shan Tuyết Mộc Châu và xoài tròn Yên Châu đã được bảo hộ tại châu Âu theo quy định của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ tháng 7/2020. Sản phẩm chè Shan Tuyết Mộc Châu được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017.
Năm 2021, hai sản phẩm chủ lực của tỉnh là sản phẩm Xoài và Nhãn đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Xoài Sơn La" và "Nhãn Sơn La" tại Việt Nam.
Đây cũng là 2 sản phẩm được lựa chọn để thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sơn La" tại Trung Quốc.
Thực tiễn từ thị trường nước ngoài
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 117,87 tỷ USD.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam với triển vọng tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Việc hiểu rõ những quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu của Trung Quốc sẽ là một lợi thế cho các doanh nghiệp Việt khi tham gia thị trường này.
Theo ông Lu Yiemeng, Luật sư Nhãn hiệu cao cấp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sở hữu Trí tuệ Sanyou Bắc Kinh, từ năm 2001 đến nay, các quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc được bảo hộ dựa trên luật hiện hành phù hợp với các quy định quốc tế. Đồng thời, phù hợp với các hình thức bảo hộ, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận theo các quy định hướng dẫn thực thi Luật Nhãn hiệu.
Hồ sơ đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý dựa trên cơ sở pháp lý của việc đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn dưới hình thức nhãn hiệu cùng các tài liệu liên quan trong hồ sơ. Việc thẩm định đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý do chủ đơn, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, quy chế quản lý và sử dụng, các chất lượng đặc thù của sản phẩm, mối liên hệ giữa chất lượng và môi trường địa lý.
Chia sẻ việc đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc, Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty Bross & Partners cho biết, tính đến năm 2020, Trung Quốc chấp thuận bảo hộ 2.391 chỉ dẫn địa lý và 6.085 chỉ dẫn địa lý đăng ký dưới dạng nhãn hiệu.
Trung Quốc định nghĩa nhãn hiệu đã đăng ký nghĩa là nhãn hiệu đã được phê duyệt và đăng ký bởi của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) gồm Nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận.
Theo pháp luật Trung Quốc, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể đều có thể chuyển nhượng cho tổ chức khác miễn là bên nhận chuyển nhượng cũng thỏa mãn các điều kiện về tư cách nộp đơn giống như người nộp đơn/người đăng ký ban đầu.
Luật sư Lê Quang Vinh cho rằng việc hiểu và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng minh thỏa mãn điều kiện, yêu cầu, nội dung bắt buộc phải có trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận là tối quan trọng, giúp đảm bảo khả năng đăng ký thành công ở Trung Quốc.
Cũng theo Tiến sỹ Trần Lê Hồng, Phó Cục Trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, những năm qua, tiềm năng to lớn của hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Trung Quốc làm gia tăng đáng kể nhu cầu của doanh nghiệp về xác lập, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh, thương mại tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký sở hữu nông nghiệp nói chung, đăng ký nhãn hiệu nói riêng của người Việt Nam nộp đơn tại Trung Quốc hiện khá khiêm tốn và tỷ lệ văn bằng bảo hộ được cấp chưa cao.
Nguyên nhân của thực trạng này là việc doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết về việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Trung Quốc và càng thiếu kinh nghiệm xác lập quyền đối với các đối tượng này tại Trung Quốc.
“Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thể thành công trong đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại các thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ như đàm phán, gia nhập các hiệp định thương mại tự do tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài; xây dựng các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ; thiết lập các kênh tư vấn trong nước,” Tiến sỹ Trần Lê Hồng cho biết.
Nhằm triển khai Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 6/5/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công Thương về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài đã được ký kết với các hoạt động đa dạng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở nước ngoài.
Đây là điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi tham gia các thị trường nước ngoài cũng như bảo hộ được các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của sản phẩm Việt Nam./.