Hầu hết các tờ báo lớn ở Mỹ đều nhận định rằng cuộc chuyển giao ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa cho thấy rõ sự ổn định chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này.
Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử còn đồng nghĩa với việc định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam về cơ bản sẽ không có sự thay đổi lớn.
Bài viết trên tờ New York Times dẫn lời ông Frederick Burke, đối tác quản lý cho Việt Nam tại công ty luật Baker & McKenzie của Mỹ, nhận định thành công của Đại hội Đảng XII là điều đáng khích lệ vì nó cho thấy rõ sự ổn định chính trị và sự “thượng tôn pháp luật” tại Việt Nam. Ông Burke cho rằng: "Đối với người dân Việt Nam, đây chính là điều mà họ mong muốn."
Bài viết cũng dẫn lời ông Sami Kteily, Chủ tịch điều hành công ty xây dựng PEB Steel ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc Việt Nam tham gia một số hiệp định tự do mậu dịch gần đây cho thấy quyết tâm muốn trở thành một thành viên tích cực của nền kinh tế thế giới.
Tờ Nhật báo Phố Wall có bài viết cho rằng việc ông Nguyễn Phú Trọng tái cử Tổng Bí thư phát đi tín hiệu rằng Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế để tham gia tích cực thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, bài viết trên tờ USA Today nhấn mạnh bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành chuyển giao ban lãnh đạo, đó là nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, đạt mức 6,68% năm 2015 - mức tốt nhất trong vòng năm năm qua với đầu tư nước ngoài lên tới mức kỷ lục 14,5 tỷ USD. Giữa lúc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và chi phí sản xuất tại nước này trở nên đắt đỏ hơn, các nhà chế tạo nước ngoài đang hướng tới Việt Nam để khai thác nguồn nhân công rẻ hơn.
Tuy nhiên, các bài viết cũng nêu bật những thách thức đang đặt ra đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa mới. Những thách thức đó chủ yếu đến từ việc Việt Nam chưa đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp quốc doanh lớn và thiếu hiệu quả vẫn chi phối nhiều khu vực, các ngân hàng nhà nước đang có quá nhiều nợ xấu. Trong khi đó, việc tận dụng được những lợi thế của việc là thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
Sau khi Quốc hội phê chuẩn TPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa hơn nữa nền kinh tế, đặc biệt là khu vực nông nghiệp và dịch vụ, cho sự cạnh tranh của nước ngoài; đồng thời có những nhân nhượng trong một số lĩnh vực như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và một số lĩnh vực khác./.