Theo thông tin cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến 11 giờ 30 phút hôm nay 28/10, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk đã có mưa to và gió mạnh gây mất điện khoảng 7.500 trạm biến áp phân phối tại 400 xã/phường.
Lượng công suất phụ tải bị mất điện khoảng 367MW, chiếm 15% tổng số phụ tải toàn miền Trung.
Hiện nay, EVN đã thực hiện cắt điện chủ động tại các tỉnh để đảm bảo an toàn cho thiết bị, con người.
Cụ thể, tình hình mất điện tại các tỉnh: Đà Nẵng 47%, Quảng Nam 71%, Quảng Ngãi 100%, Bình Định 93%, Phú Yên 55%, Gia Lai 20%.
"Ngay sau bão, EVN sẽ kiểm tra và khôi phục trở lại nhanh nhất cho các phụ tải đảm bảo an toàn cho con người và cho thiết bị," đại diện EVN cho hay.
Với lưới điện cao áp, xảy ra sự cố đường dây 500kV Dốc Sỏi-PleiKu; sự cố 5 đường dây 220kV và 23 đường dây 110kV
Sáng 28/10, cơn bão số 9 (Molave) đã đổ bộ vào các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi gây mưa lớn, gió giật mạnh trên diện rộng nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, hàng loạt cây xanh, bảng quảng cáo ngã đổ, cùng với đó đã gây ra sự cố lưới điện cao áp, trung hạ áp. Nhiều khu vực tại các tỉnh, thành phố miền Trung đã bị mất điện.
Báo cáo của EVN cho biết việc vận hành các hồ thuỷ điện, các hồ đang xả điều tiết theo quy trình liên hồ/đơn hồ theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Danh sách các hồ đang xả với lưu lượng tương ứng như sau: A Vương (520m3/s); Sông Tranh 2 (1491 m3/s); Sông Bung 2 (138 m3/s); Sông Bung 4 (209 m3/s); Buôn Kuôp (363 m3/s); Srepok3 (482 m3/s).
Trước đó, lúc 8h00 sáng nay 28/10, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk đã có mưa to và gió mạnh gây mất điện ở một số khu vực.
Lượng công suất phụ tải bị mất điện khoảng 127,6MW, chiếm 5,9% tổng số phụ tải toàn miền Trung.
EVN đã có công điện về việc tập trung ứng phó với cơn bão số 9 (Molave); trong đó, EVN đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực, vật tư để kịp thời triển khai ứng phó theo phương trâm "bốn tại chỗ" nhằm khắc phục hậu quả, sự cố do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn cho người, thiếu bị, công trình điện lực.
Các đơn vị tổ chức ứng trực 24/24 giờ, tuyệt đối không chủ quan và tăng cường kiểm tra, chuẩn bị ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai./.