Bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên

Bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên tại Đồng Văn

Đồng bào 17 dân tộc hiện đang sinh sống trên Cao nguyên đá đã tạo nên một vẻ đẹp độc đáo của các phiên chợ vùng cao nơi đây.
Bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên tại Đồng Văn ảnh 1Bánh gạo được bày bán tại chợ phiên Đồng Văn. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hà Giang được biết đến là nơi địa đầu Tổ quốc với Cột cờ Lũng Cú khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, với chuyện tình Khau Vai đầy hoài niệm.

Đến với mảnh đất này, du khách còn được đắm chìm trong hơi thở của đá, bị mê hoặc bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp, cùng với đó là những chợ phiên độc đáo trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Chợ phiên trên Cao nguyên đá Đồng Văn không phải ngày nào cũng họp. Nhiều nơi chợ phiên diễn ra vào ngày thứ bảy hoặc Chủ nhật như chợ trung tâm ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Nhưng có nơi, chợ phiên được họp vào các ngày tính theo hình tượng con vật, như chợ phiên ở xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn họp vào ngày Thìn, ngày Tuất; ngày Ngọ, ngày Tý có chợ phiên ở xã Phó Bảng, huyện Đồng Văn. Ngoài ra, có chợ họp 6 ngày một phiên, đồng bào trên Cao nguyên đá thường gọi đó là "phiên chợ lùi."

Bà Lý Trung Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn, Hà Giang - một người con của dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên, trưởng thành trên Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Áo có thể chưa đủ ấm, tiền có thể chưa có nhiều nhưng bà con lại không thể vắng mặt trong mỗi phiên chợ.

Chợ phiên vùng cao ở Hà Giang là sự tổng hòa của những nét đặc sắc của các dân tộc khác nhau đã được bà con mang theo xuống chợ. Đồng bào 17 dân tộc hiện đang sinh sống trên Cao nguyên đá đã tạo nên một vẻ đẹp độc đáo của các phiên chợ vùng cao nơi đây.

Vào những ngày có phiên chợ, ngay từ những lúc còn tờ mờ sáng, trên những con đường dốc núi cheo leo toàn đá đã đông đúc nhộn nhịp. Những cô gái dân tộc Mông, Lô Lô, Bố Y, Nùng... từ những bản làng xa xôi xúng xính trong trang phục truyền thống thổ cẩm tạo nên sự lung linh của sắc màu và không khí vui tươi của phiên chợ. Đến chợ, mỗi người lại mang theo bên mình chú bò, hay chú ngựa thồ, những chiếc gùi mây hay những món đặc sản của dân tộc mình. Đặc biệt, có bà con lại cắp nách đi chợ một con lợn đen hay con gà...

Khác hẳn với miền xuôi, ở miền núi đường giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, dân cư thưa thớt, nên mỗi buổi chợ phiên lại càng trở nên đông đúc và là một ngày hội của bà con các dân tộc.

Bà con các dân tộc thiểu số đi chợ phiên không chỉ để trao đổi mua bán, mà còn để gặp nhau trò chuyện sau những ngày lao động sản xuất vất vả. Đối với những chàng trai, cô gái dân tộc thiểu số, chợ phiên lại là dịp gặp gỡ, tâm tình. Từ những điệu khèn môi, hay từ những điệu múa khèn Mông, họ bén duyên để rồi hẹn gặp lại vào những chợ phiên sau. Sau những buổi chợ phiên, nhiều đôi trai gái đã nên vợ, nên chồng sống gắn bó, hạnh phúc suốt đời trên Cao nguyên đá.

Đến với phiên chợ vùng cao trên Cao nguyên đá Đồng Văn, không chỉ tìm hiểu được phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, mà du khách còn được thưởng thức những món ăn dân dã. Nếu người miền xuôi tự hào vì có phở, thì đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao lại tự hào vì có thắng cố. Trời càng lạnh, món thắng cố càng ngon, thêm bát rượu ngô ấm nồng với người miền núi chắc hẳn sẽ không quên.

Để phát huy tiềm năng của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, thúc đẩy du lịch Hà Giang phát triển, ông Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết trong giai đoạn từ năm 2013-2020, tỉnh Hà Giang sẽ triển khai phương án bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên.

Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đang triển khai tới các đơn vị trực thuộc, phối hợp với cấp ủy, chính quyền 4 huyện vùng cao phía Bắc trên Cao nguyên đá Đồng Văn xây dựng các chương trình du lịch chuyên đề về chợ phiên trong du lịch vùng cao./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục