Bảo tồn nghệ thuật truyền thống trong thanh thiếu nhi

Liên hoan dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi Hà Nội nhằm góp phần phát triển mạch nguồn văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ.
Bảo tồn nghệ thuật truyền thống trong thanh thiếu nhi ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tối 17/11, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tổ chức chung kết Liên hoan hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong thanh thiếu nhi Thủ đô.

Liên hoan thu hút sự tham gia của gần 200 thí sinh đến từ 12 nhà văn hóa, câu lạc bộ và các trường nghệ thuật trên địa bàn thành phố.

Trải qua hơn 15 năm với 8 lần tổ chức, Liên hoan thanh thiếu nhi Thủ đô hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc được ví như một nhịp cầu văn hóa vắt qua hai thế kỷ, thể hiện thuyết phục sức sống bền bỉ và tất yếu của nghệ thuật truyền thống trên đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Theo Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội-Phó trưởng Ban tổ chức Liên hoan, Lại Hồng Đăng, việc tổ chức hoạt động hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc dưới hình thức sân khấu hóa không phải là tách dân ca ra khỏi mảnh đất sống truyền thống là đời sống cộng đồng. Biểu diễn và đưa các tiết mục dân ca lên sân khấu là một trong những hoạt động nhằm tôn vinh và khích lệ phong trào hát dân ca, gìn giữ những làn điệu dân ca đang có nguy cơ mai một trong các tầng lớp nhân dân.

Liên hoan dành cho đối tượng thanh thiếu nhi, nhằm hướng đến xây dựng lớp “người trẻ” biết kế truyền từ các nghệ nhân để tiếp nối mạch nguồn văn hóa dân tộc.

Trong Liên hoan, việc hát dân ca cùng với biểu diễn nhạc cụ dân tộc như một sự gắn bó chặt chẽ, đưa nghệ thuật truyền thống về với nguyên bản, để những thế hệ trẻ thấm hiểu được thần thái, hồn cốt của nghệ thuật truyền thống, từ đó góp phần nuôi dưỡng và phát triển những mạch nguồn văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Liên hoan lần này đã trình diễn nhiều hình thức nghệ thuật phong phú đặc sắc như chèo, hát xẩm, hát dân ca, độc tấu và hòa tấu các nhạc cụ dân tộc đàn tranh, đàn T’rưng, sáo trúc, đàn bầu, đàn nhị…

Nhiều giọng hát tuy không chuyên nhưng được đánh giá là khá mượt mà, luyến láy, thể hiện khổ công rèn luyện, chuyển tải được hồn cốt của mỗi loại hình nghệ thuật dân gian.

Các làn điệu dân ca mang tính đỉnh cao như hát văn, xẩm được các em thể hiện bài bản, đạt trình độ nghệ thuật cao, thể hiện sự gắn bó và khả năng thẩm thấu cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật truyền thống.

Bên cạnh đó, tại Liên hoan, các thí sinh cũng đã thể hiện sự sáng tạo trong việc mang âm hưởng hiện đại vào các tiết mục dân gian, như một hướng phát triển mới của dân ca trong đời sống âm nhạc hiện đại.

Kết thúc liên hoan, ban tổ chức đã trao 10 giải nhất, 15 giải nhì cho các khối chuyên nghiệp và không chuyên. Đặc biệt, tại liên hoan còn có một giải động viên phong trào của nghệ sỹ nhân dân Thanh Hoa tặng Trường Tiểu học quốc tế Nguyễn Bỉnh Khiêm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.