Rất nhiều người than phiền rằng, chiếc xe của mình đã quá cũ và tốn nhiêu liệu một cách kỳ lạ. Họ cũng cho rằng, giao thông Hà Nội tắc nghẽn liên tục làm cho chiếc xe của mình ăn xăng chẳng thương tiếc cho chủ nhân.
Tuy nhiên, không nhiều người biết, chỉ với một vài ghi nhớ nho nhỏ trong khi điều khiển xe, lượng xăng tiêu thụ có thể giảm được đáng kể.
Và nói theo cách nói của ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Giao Thông Vận tải, không phải ai cũng biết cụm từ “lái xe sinh thái.”
Việc tiết kiệm nhiên liệu và việc giảm lượng khí thải độc hại, giảm lượng thải CO2 có liên quan chặt chẽ với nhau. Bằng việc tuân theo một bộ các kỹ năng lái xe và bảo dưỡng phương tiện, một lái xe có thể giảm được khoảng 20% lượng nhiên liệu tiêu thụ. Và như thế, chỉ với một hành động, người tham gia giao thông vừa có thể buộc chặt túi tiền của mình vừa giúp bảo vệ môi trường. Đó là lý do cái tên “lái xe sinh thái” (EcoDriving) ra đời.
Theo tính toán, một chiếc xe buýt chạy với kiểu lái xe “hung hăng,” tăng tốc nhanh, phanh đột ngột có thể tốn gần 40 lít nhiên liệu trên 100km. Tuy nhiên, vẫn chiếc xe buýt đó, chỉ thay đổi một chút về cách điều khiển xe như chầm chậm tăng tốc, tiên liệu trước giao thông để hãm tốc có thể chỉ tốn lượng nhiên liệu bằng quá nửa con số trên.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều những kỹ năng lái xe sinh thái mà nếu mọi người có thể ghi nhớ, việc tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường sẽ là rất đáng kể.
Đơn cử như kỹ năng khởi hành phương tiện. Nhiều người đi trên đường có thói quen “rồ ga thật mạnh khi cần tăng tốc. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, tăng tốc phương tiện với gia tốc càng lớn thì càng tốn nhiên liệu. Chỉ vài giây tăng tốc đột ngột có thể bằng vài phút tăng tốc theo cách vừa phải.
Với trục đường nhiều đèn giao thông và điểm giao cắt như Hà Nội, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu 1 ngày xe tải có trên 100 lần xuất phát và tăng tốc đột ngột sẽ “đốt” hơn 3 lít nhiêu liệu so với tăng tốc chậm rãi.
Chương trình lái xe sinh thái cũng đưa ra kỹ năng mà tưởng như ai cũng biết, đó là cách làm sao để “lăn bánh trên đường.” Tuy nhiên, với khẩu hiệu “chậm và đi tiếp” luôn tốt hơn “dừng và đi tiếp,” chương trình lại chỉ ra rằng có thể tốn thêm 20% nhiên liệu để tăng tốc một phương tiện đang ở trạng thái dừng, đỗ so với việc tăng tốc một phương tiện đang chuyển động với vận tốc 5 km/giờ. Bởi thế, việc quan sát tốt phía trước để lường trước điểm dừng và tận dụng tốt nhất quán tính của xe sẽ là lựa chọn lý tưởng hơn rất nhiều.
Kỹ năng lái xe sinh thái cũng cho rằng, có sự khác biệt rất lớn giữa việc tắt máy khi dừng, đỗ xe và hồn nhiên để xe cháy không tải. Vì thế, rất nhiều nước đã dần áp dụng quy định này với người tham gia giao thông. Chương trình quốc gia về Lái xe sinh thái của Hà Lan đã tuyên truyền thời gian chờ nên tắt máy là trên 1 phút. Tại Đức, hướng dẫn thời gian chờ nên tắt máy là trên 40 giây.
Ở Việt Nam, những chương trình tuyên truyền tắt máy khi dừng đèn đỏ được tổ chức từ năm 2010 chính là một phần của việc phổ biến kỹ năng này tới người đi đường.
Thực tế, việc tuyên truyền về ý thức của người điểu khiển phương tiện giao thông đã được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng tiết kiệm năng lượng từ giai đoạn 2010. Tuy nhiên, theo ông Hùng, thời gian này, luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả chưa được ban hành nên đây chỉ là giai đoạn khởi động.
Bởi thế, trong giai đoạn 2011- 2015, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về văn hóa tiết kiệm nhiên liệu trong đi lại, sinh hoạt sẽ là 1 trong 4 nội dung cơ bản Bộ Giao thông hướng tới. Trong đó, theo Vụ trưởng Vụ môi trường, kĩ năng “lái xe sinh thái” là nội dung rất quan trọng.
“Ngoài việc tuyên truyền, kỹ năng lái xe tiết kiệm năng lượng sẽ được đưa vào phổ biến tại các trung tâm đào tạo lái xe để tăng hiệu quả,” ông Hùng cho hay./.