Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, coi đây là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, một nội dung cốt lõi của công tác xây dựng Đảng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; đồng thời đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, thông tin xấu độc, cố tình bôi xấu cán bộ, đảng viên, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ đoàn kết, gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…
Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị xác định rõ: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên.
[Hội thảo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới]
Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết từng cán bộ, đảng viên, từng người dân phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội; kiên định, tin tưởng vào con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực tế cho thấy, ngay từ khi Đảng ta ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau.
Vào thời điểm vô cùng khó khăn - đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khi chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu tan rã, Đảng ta vẫn kiên trì con đường chủ nghĩa xã hội, lấy chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động.
Cương lĩnh năm 1991 tiếp tục xác định xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng tập trung làm sáng tỏ bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Marx-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định tính tất yếu của con đường xã hội chủ nghĩa; đồng thời kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Bước vào thời kỳ phát triển mới, những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt đời sống xã hội, tư tưởng, tình cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình," thúc đẩy "tự diễn biến" "tự chuyển hóa," tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”; thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Đây là những kẽ hở cho các thế lực thù địch có cơ hội xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Trong bối cảnh đó, Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI (năm 2012), nghị quyết Trung ương 4, khóa XII (năm 2016) nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cùng với việc chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, Đảng ta xác định kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Các cấp ủy, tổ chức đảng luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch, làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.
Nhìn lại nhiệm kỳ khóa XII, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được quan tâm triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp từ công nghệ, kỹ thuật, pháp lý, đến tuyên truyền, giáo dục… từ đó từng bước nâng cao hiệu quả, dần khắc phục được sự lúng túng, bị động trước đây, đạt kết quả rõ rệt trong việc làm sạch môi trường Internet, mạng xã hội…
Các ngành chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ, xử lý hiệu quả những thông tin xấu độc, tin giả trên môi trường mạng.
Đặc biệt, trong quá trình diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trên không gian mạng, các thế lực phản động, thù địch gia tăng hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, 80% trong tổng số thông tin xấu độc tập trung chủ yếu vào việc xuyên tạc, bôi nhọ công tác cán bộ. Đáng lo ngại hơn cả là những thông tin bịa đặt, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, hạ thấp uy tín cá nhân các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Trung ương và cả các đồng chí quy hoạch Trung ương.
Theo Bộ Thông tin-Truyền thông, từ đầu năm 2020 đến nay, qua rà quét, giám sát, Bộ đã gỡ bỏ gần 400 trang giả mạo tên các đồng chí Trung ương, 4.500 tin bài xấu độc trên Facebook và 30.000 video xấu độc trên Youtube.
Trung tâm giám sát xử lý an toàn thông tin mạng quốc gia có thể rà soát, phân tích, xử lý khoảng 300 triệu tin giả, tin xấu độc mỗi ngày; tỷ lệ tháo gỡ các video xấu, độc trên kênh Youtube hiện nay đã lên đến 90%; mỗi tháng gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc. Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hàng trăm trường hợp tin sai, tin giả.
Cùng với biện pháp kỹ thuật, công tác đấu tranh thông tin, phản bác quan điểm sai trái trên không gian mạng được chú trọng, số tin, bài phản bác tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng; đồng thời những thông tin tích cực được chia sẻ, lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, sức đề kháng, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật, đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật của các phần tử cơ hội chính trị, phản động.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá các thông tin sai sự thật, xấu độc, xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chống phá công tác nhân sự Đại hội, xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kỳ này so với trước là giảm hẳn. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, việc giảm này là do có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng.
Năm 2021, ngành Tuyên giáo tiếp tục tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ngành tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 53-KL/TW ngày 04/6/2019 của Ban Bí thư; tập trung lực lượng đấu tranh, gỡ bỏ, vô hiệu hóa các trang thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; phản bác các thông tin sai trái; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, lan tỏa thông tin tích cực đến cán bộ, đảng viên và nhân dân./.