Bảo vệ sức khỏe công nhân ngay từ những bữa ăn tập thể

Một trong những giải pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm của các doanh nghiệp có đông công nhân làm việc là chủ động xây dựng bếp ăn, phòng ăn ngay tại doanh nghiệp để kiểm soát an toàn thực phẩm.
Bảo vệ sức khỏe công nhân ngay từ những bữa ăn tập thể ảnh 1Một doanh nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận xây dựng bếp ăn tập thể ngay tại công ty. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 70% các vụ ngộ độc tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đến từ các suất ăn chế biến sẵn vận chuyển từ nơi khác đến.

Các vụ ngộ độc gây ra rất nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm năng suất làm việc của người lao động.

Nhận thức được điều đó, nhiều công ty có đông công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng bếp ăn, phòng ăn ngay tại doanh nghiệp để kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm.

Chủ động kiểm soát bữa ăn

Cách đây hơn 8 năm, tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Mtech Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm khiến khoảng 80 công nhân phải nhập viện trong tình trạng chóng mặt, nôn ói, đau bụng.

Sự cố xảy ra do công nhân ăn suất ăn chế biến sẵn của đơn vị cung cấp suất ăn mà công ty đã ký hợp đồng. Do không kiểm soát được thời gian chế biến món ăn và nguồn thực phẩm cung cấp nên đã để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Bảo vệ sức khỏe công nhân ngay từ những bữa ăn tập thể ảnh 2Sơ chế thực phẩm trước khi chế biến. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Sau đó, để đảm bảo an toàn cho bữa ăn của công nhân, công ty đã hợp đồng với một đơn vị khác đến nấu ăn tại chỗ để kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm và quy trình chế biến bữa ăn.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Quản lý Công ty trách nhiệm hữu hạn Mtech Việt Nam hiện nay, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bữa ăn của công nhân được công ty kiểm tra, giám sát hết sức nghiêm ngặt.

Bên cạnh việc từng bước hoàn thiện và đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm ở khâu chế biến như tuân thủ "quy trình 3 bước 4 sổ," lưu ý cấp dưỡng kiểm tra nguồn thực phẩm vào, lưu mẫu thức ăn đầy đủ theo quy định, công ty thường xuyên trao đổi với nhà thầu để tìm nguồn cung cấp thực phẩm an toàn.

“Với giá thực phẩm trên thị trường như hiện nay, giá một suất ăn 18.000 đồng chưa phải là cao. Công ty thường xuyên trao đổi với nhà cung cấp xây dựng định mức chuẩn về thực phẩm cho một bữa ăn cũng như cải tiến thực đơn phù hợp qua từng tháng.

Quan trọng nhất là nhà cung cấp phải tìm được những nguồn thực phẩm ổn định về giá và chất lượng vệ sinh. Từ khi tổ chức nấu ăn tại bếp của công ty, không có sự cố nào liên quan đến vấn đề ngộ độc thực phẩm hay mất an toàn vệ sinh,” ông Thủy cho biết.

Tương tự, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn cho công nhân cũng được Ban lãnh đạo Công ty Hong IK Vina (Khu chế xuất Tân Thuận) đặc biệt quan tâm và đặt lên hàng đầu. Bởi với hơn 1.500 công nhân, nếu có bất kỳ sự cố nào về an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng công việc.

Theo ông Huỳnh Tấn Tài, Quản đốc Công ty Hong IK Vina, sau một thời gian ăn suất ăn chế biến sẵn, công nhân phản ánh thức ăn không đạt yêu cầu, món ăn không được thay đổi, công ty đã đầu tư xây dựng khu bếp và thuê người về nấu ăn.

Nguồn thực phẩm do nhà thầu cung cấp luôn được nhân viên công ty giám sát, kiểm tra qua các chứng từ, hóa đơn.

Hàng ngày, món ăn được lưu mẫu hai lần sáng và chiều, bữa ăn luôn đầy đủ thịt và cá, cân đối chất dinh dưỡng, công nhân có nhu cầu ăn chay cũng được công ty đáp ứng.

Bảo vệ sức khỏe công nhân ngay từ những bữa ăn tập thể ảnh 3Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mọi khâu chế biến thức ăn. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

16 năm làm việc tại công ty, anh Đinh Công Trung, quản lý xưởng Mài (Công ty Hong IK Vina) cho biết luôn hài lòng với chế độ chăm sóc, đặc biệt là các bữa ăn giữa ca, bữa ăn tăng ca. Cứ đầu tuần, nhà bếp công bố thực đơn cho cả tuần ở nhà ăn.

Ngoài ra, mỗi ngày, công nhân còn nhận được một hộp sữa bồi dưỡng sức khỏe. Đặc biệt, nếu công nhân có phản hồi về món ăn, công ty lập tức yêu cầu nhà thầu thay đổi để bữa ăn được đa dạng hơn, hợp khẩu vị hơn.

Triển khai hệ thống tự giám sát

Theo đánh giá của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn chung đa số các doanh nghiệp đều quan tâm đến vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chấp hành tốt các quy định chính sách Nhà nước như Công ty trách nhiệm hữu hạn Mtech Việt Nam và Hong IK Vina.

Tuy nhiên, tại một số bếp ăn tập thể vẫn còn tình trạng lựa chọn thực phẩm giá thành rẻ, chất lượng chưa được đảm bảo.

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý bếp ăn lại thường giao cho một bộ phận nhỏ của doanh nghiệp hoặc giao khoán cho nhà thầu mà không thường xuyên kiểm tra, giám sát.

Thêm vào đó, việc lực lượng chức năng chuyên ngành tới thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm ở các bếp ăn của công ty trong khu chế xuất, khu công nghiệp không nhận được sự ủng hộ đồng tình của các doanh nghiệp.

Thực tế trên đã phần nào lý giải cho việc các vụ ngộ độc tập thể xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua chủ yếu vẫn ở các bếp ăn tập thể.

Trong năm 2015, toàn thành phố xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 268 người mắc, không có trường hợp nào tử vong.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật gây bệnh Histamin có trong thủy sản.

Trong số 6 vụ ngộ độc, có một vụ xảy ra tại trường học, còn lại là xảy ra tại các bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 248 người mắc, trong số đó cũng có 2 vụ xảy ra tại khu công nghiệp-khu chế xuất.

Bảo vệ sức khỏe công nhân ngay từ những bữa ăn tập thể ảnh 4Công nhân nhận suất ăn được chế biến ngay tại nhà bếp của doanh nghiệp. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Để giám sát các bếp ăn tập thể, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Chi cục thường xuyên triển khai các cuộc thanh kiểm tra các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp với phương châm kiểm tra 100% bếp ăn tập thể (1 lần/năm), suất ăn sẵn (2 lần/năm).

Hiện nay, có một số bếp ăn có tổ chức bữa ăn tập thể, tuy nhiên do chủ đứng ra tổ chức thì họ không cần có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện mà họ chỉ thực hiện cam kết. Đối với những trường hợp này, bắt đầu từ năm 2016 sẽ đi kiểm tra 4 lần/năm.

Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra các bếp ăn tập thể cũng chỉ là những giải pháp mang tính cấp thời. Bởi vậy, Chi cục đã triển khai hệ thống tự kiểm tra trong khu chế xuất-khu công nghiệp và trường học, tăng trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với các cơ sở trong hệ thống.

Trong hai năm 2014-2015, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố đã tổ chức tập huấn và chuyển giao công nghệ tự kiểm tra cho họ theo hai cấp.

Ở cấp cơ sở, các doanh nghiệp sẽ thành lập tổ kiểm tra đối với bếp ăn của họ, sau đó Ban quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp có thể tổ chức kiểm tra độc lập hoặc phối hợp với Chi cục hỗ trợ kiểm tra các cơ sở có vấn đề căn cứ theo báo cáo từ cấp thứ nhất.

Nhìn chung, hệ thống này đã được vận hành tại trên 80% doanh nghiệp trong khu chế xuất-khu công nghiệp và cho thấy hiệu quả rõ rệt./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục