Bất chấp căng thẳng thương mại, châu Á-TBD vẫn tăng trưởng ổn định

Theo ADB, tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ vẫn vững chắc, bất chấp căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và các đối tác thương mại.
Bất chấp căng thẳng thương mại, châu Á-TBD vẫn tăng trưởng ổn định ảnh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong các năm 2018 và 2019 sẽ vẫn vững chắc, bất chấp căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và các đối tác thương mại.

Trong tài liệu bổ sung cho Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) năm 2018 công bố ngày 19/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo khu vực gồm 45 nền kinh tế đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay và 5,9% trong năm tiếp theo, tương tự các dự báo đưa ra trước đó.

Nhà kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada nhận định: "Mặc dù căng thẳng thương mại gia tăng vẫn là mối quan tâm của khu vực, các biện pháp bảo hộ thương mại được thực hiện trong năm 2018 đến nay không làm giảm đáng kể dòng chảy thương mại đến và đi từ châu Á."

Tuy nhiên, ADB cảnh báo sự gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ và các biện pháp đáp trả từ Trung Quốc và các nước khác tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực đe dọa triển vọng tăng trưởng của các nước châu Á đang phát triển.

Theo ông Sawada, việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính thận trọng sẽ giúp các nền kinh tế trong khu vực sẵn sàng hơn trong ứng phó với những cú sốc bên ngoài, đảm bảo sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực.

[Báo Philippines: 'Việt Nam là thế lực công nghiệp mới ở Đông Nam Á']

Về từng khu vực, ADB nhận định tăng trưởng của vùng Đông Á sẽ vẫn ở mức 6% trong năm nay và 5,8% trong năm tiếp theo như dự báo trước đó.

Đặc biệt, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc, sẽ vẫn đạt được mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2018 và 6,4% trong năm 2019 như dự báo trước đó trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiếp tục nỗ lực tái cân bằng tăng trưởng theo hướng tăng tiêu thụ nội địa.

Trong khi đó, Nam Á tiếp tục là tiểu vùng tăng trưởng nhanh nhất, với Ấn Độ dẫn đầu khi nền kinh tế dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 7,3% trong năm 2018 và tiếp tục tăng tốc lên 7,6% vào năm 2019 nhờ các biện pháp củng cố hệ thống ngân hàng và cải cách thuế giúp tăng cường đầu tư.

Khu vực Trung Á đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, khiến ADB phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng từ 4% lên 4,2% vào năm 2018 và từ 4,2% lên 4,3% vào năm 2019. Sự tăng giá hàng hóa toàn cầu và sự phục hồi liên quan đến kinh tế Nga đã thúc đẩy tăng trưởng của phần lớn tiểu vùng.

Tại Kazakhstan, nền kinh tế lớn nhất Trung Á, tăng trưởng đạt 4,1% trong quý đầu tiên của năm 2018, cao hơn 0,5% so với cùng kỳ năm 2017, nhờ sự phục hồi công nghiệp mạnh hơn dự kiến.

ADB dự báo tăng trưởng cho khu vực Đông Nam Á trong năm 2018 và 2019 ổn định ở mức 5,2% do nhu cầu nội địa mạnh mẽ.

ADB cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng đối với khu vực Thái Bình Dương, lần lượt là 2,2% và 3,0% trong 2 năm tới.

Báo cáo bổ sung này hạ dự báo về tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế châu Á đang phát triển xuống mức 2,8% cho năm 2018 và 2,7% cho năm 2019. Các yếu tố bên trong, bao gồm sự can thiệp của ngân hàng trung ương để tránh giảm giá tiền tệ, và các gói trợ cấp thực phẩm và nhiên liệu, đã giúp hạn chế ảnh hưởng của giá hàng hóa tăng cao tại một số nền kinh tế, kiềm chế áp lực lạm phát.

ADB đưa ra tài liệu bổ sung này do báo cáo trước đó được công bố hồi tháng 4, khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và nhiều đối tác lớn chưa nổ ra. Các căng thẳng này làm dấy lên các quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

ADB, có trụ sở tại Manila, Philippines, được thành lập với mục tiêu giảm nghèo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua việc tăng trưởng kinh tế toàn diện, tăng trưởng bền vững về môi trường và hội nhập khu vực.

Được thành lập vào năm 1966, ADB có 67 nền kinh tế thành viên - trong đó 48 nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.