Bất chấp sức ép từ đồng USD, giá vàng vẫn duy trì gần mức cao kỷ lục

Giá vàng duy trì ngay dưới ngưỡng cao kỷ lục nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn được thúc đẩy bởi rủi ro địa chính trị ở Trung Đông; trong khi giá dầu kéo dài đà giảm do nỗi lo nhu cầu.

Vàng được bày bán tại cửa hàng trang sức ở Yangon, Myanmar. (Ảnh: THX/TTXVN)
Vàng được bày bán tại cửa hàng trang sức ở Yangon, Myanmar. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá vàng ít biến động trong chiều 17/4, duy trì ngay dưới ngưỡng cao kỷ lục nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn được thúc đẩy bởi rủi ro địa chính trị ở Trung Đông. Điều đó đã bù đắp áp lực từ lợi suất trái phiếu và đồng USD cao hơn.

Giá vàng giao ngay giữ vững mức giá 2.384,19 USD/ounce vào lúc 16 giờ 3 phút (giờ Việt Nam), không cách quá xa mức cao nhất mọi thời đại là 2.431,29 USD đạt được hôm thứ Sáu tuần trước (12/4). Giá vàng tương lai của Mỹ giảm 0,3% xuống 2.400,30 USD/ounce.

Cả đồng USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đều giữ ổn định gần mức đỉnh 5 tháng, khiến vàng thỏi được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.

Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của ngân hàng IG cho biết, giá vàng đã cho thấy sự bền bỉ của mình khi đối mặt với lợi suất trái phiếu và đồng USD mạnh hơn, đồng thời tìm thấy một số hỗ trợ từ dòng tiền trú ẩn an toàn trước những rủi ro địa chính trị tiềm ẩn. Những người tham gia thị trường vẫn lo ngại về phản ứng của Israel trước các cuộc tấn công của Iran.

Ông Harshal Barot, một cố vấn cấp cao tại công ty tư vấn đầu tư Metals Focus nhận định trọng tâm thị trường hiện gần như dành cho các yếu tố địa chính trị, điều đang ngăn cản giá vàng trải qua một đợt điều chỉnh. Giới đầu tư sẽ phải đợi sự bất ổn về địa chính trị lắng xuống trước khi thị trường bắt đầu phản ứng với các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản.

Điều đó bao gồm khả năng ngày càng lớn là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9 thay vì tháng 6/2024, sau một loạt dữ liệu mạnh mẽ gần đây của Mỹ bao gồm lạm phát “nóng” hơn dự kiến.

Các quan chức hàng đầu của Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, đã từ chối đưa ra bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào về thời điểm cắt giảm lãi suất. Thay vào đó, ông nói rằng lãi suất cần phải ở mức cao trong thời gian lâu hơn.

Hiện thị trường đang đặt cược Fed có 68% khả năng thực hiện việc cắt giảm lãi suất vào tháng Chín.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,2% lên 28,42 USD/ounce. Giá bạch kim lại giảm 0,3% ở mức 954,55 USD/ounce.

Tại Việt Nam, khép phiên 17/4, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 82,10-84,10 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Giá dầu kéo dài đà giảm do nỗi lo nhu cầu

Giá dầu tiếp tục giảm vào chiều 17/4, khi lo ngại về động lực kinh tế yếu ở Trung Quốc và khả năng dự trữ dầu thương mại của Mỹ tăng cao sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu năng lượng thế giới. Yếu tố này đã lấn át nỗi lo về nguồn cung từ căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.

Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 6/2024 giảm 40 xu hay 0,44% xuống 89,62 USD/thùng vào lúc 14 giờ 32 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tháng 5/2024 giảm 48 xu (0,56%) xuống 84,88 USD/thùng.

Giá dầu đã giảm nhẹ trong tuần này do những “cơn gió ngược” kinh tế gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư, hạn chế lợi nhuận đạt được từ những căng thẳng địa chính trị. Thị trường vẫn để mắt đến cách Israel có thể phản ứng trước cuộc tấn công của Iran vào cuối tuần qua.

ttxvn-gia dau.jpg
Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Brega, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện tại, sự suy yếu trong ngắn hạn của giá dầu có thể phản ánh một số kỳ vọng rằng căng thẳng vẫn có thể được kiềm chế. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu quan trọng khác như Saudi Arabia có thể nhảy vào để giảm thiểu bất kỳ cú sốc nguồn cung toàn cầu nào.

Nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA Kelvin Wong cho biết, biến động giá WTI trong ngắn hạn có thể bị mắc kẹt trong phạm vi từ 83,20-87,70 USD/thùng. Theo chuyên gia này, mức giá ít biến động trên là do các yếu tố mâu thuẫn như doanh số bán lẻ tháng Ba đáng thất vọng của Trung Quốc và những rủi ro địa chính trị vẫn còn nguyên.

Chứng khoán châu Á phản ứng trái chiều sau phát ngôn của Chủ tịch Fed

Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 17/4, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng lãi suất có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Tokyo đã giảm 1,32% (tương đương 509,40 điểm) xuống 37.961,80 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc lại đi lên trong phiên này. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong nhích 2,87 điểm lên 16.251,84 điểm, với đà tăng bị hạn chế do hoạt động chốt lời của giới đầu tư. Tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,14% (64,31 điểm) và kết thúc ở mức 3.071,38 điểm.

Các thị trường Sydney, Seoul, Jakarta và Bangkok giảm. Ngược lại, chứng khoán Singapore, Wellington, Taipei và Manila lại tăng.

Trong khi các nhà giao dịch đang hồi hộp chờ đợi động thái tiếp theo của Israel sau cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào cuối tuần, việc thiếu phản ứng ngay lập tức khiến họ tập trung vào các kế hoạch chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ.

Một loạt dữ liệu nóng hơn dự kiến về lạm phát và việc làm trong ba tháng đầu năm đã buộc các nhà đầu tư giảm đặt cược vào số lần cắt giảm lãi suất Fed sẽ thực hiện trong năm nay.

Hướng dẫn về lãi suất theo "biểu đồ chấm" gần đây nhất của Fed cho thấy ngân hàng trung ương này sẽ cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay, với lần đầu tiên có thể vào tháng Sáu.

Điều này trái ngược với dự kiến của thị trường hồi đầu năm. Vào thời điểm đó, giới giao dịch đã đặt cược tới sáu lần cắt giảm lãi suất cho năm 2024.

ttxvn-chung khoan.jpg
Giao dịch viên tại một công ty chứng khoán ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Nhưng các nhà quan sát hiện chỉ dự đoán Fed sẽ chỉ hành động một hoặc hai lần, bắt đầu từ tháng Bảy hoặc tháng Chín. Thậm chí một số người còn lập luận rằng động thái tiếp theo của Fed có thể là tăng lãi suất, nếu lạm phát từ chối quay trở lại mục tiêu 2%.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/4, chỉ số VN-Index giảm 22,67 điểm (1,86%) xuống 1.193,01 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 2,63 điểm (1,15%) xuống 226,20 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.