Trong thời gian 3 tháng, bắt đầu từ ngày hôm nay, 5/1, các tổ chức, cá nhân sẽ được góp ý đối với Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Tất cả các ý kiến này sẽ được nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu để trình lên Quốc hội xem xét, điều chỉnh.
Cụ thể, theo quyết định vừa được Thủ tướng ký ban hành, nội dung lấy ý kiến về dự thảo bao gồm các nội dung: Quy định chung; Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; Điều khoản thi hành; Kỹ thuật trình bày các quy định của Bộ Luật.
Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến về các nội dung nêu trên, đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung lấy ý kiến liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành mình và những vấn đề mà Bộ, ngành quan tâm.
Về hình thức, việc lấy ý kiến có thể được thực hiện bằng cách góp ý trực tiếp; bằng văn bản, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác.
Thời gian lấy ý kiến sẽ kéo dài trong 3 tháng bắt đầu từ ngày hôm nay, 5/1 tới hết ngày 5/4.
Sau thời hạn kể trên, các tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp ý kiến về Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) sẽ gửi thẳng đến Bộ Tư pháp trước ngày 20/9.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, triển khai kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến.
Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai nội dung lấy ý kiến về dự thảo, gửi kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 15/4.
Bộ Tư pháp trình Chính phủ báo cáo tổng hợp lấy ý kiến nhân dân trước ngày 25/4.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Bộ Luật Dân sự là bộ luật gốc, thể hiện quyền con người và quyền công dân theo Hiến pháp 2013 và là một bộ luật lớn, phức tạp.
Vì vậy, đối với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Các Bộ, ngành, cơ quan… cần thực hiện nghiêm túc đối với việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ Luật này.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tư pháp cần tổng hợp đầy đủ, chính xác các ý kiến góp ý của nhân dân. Bộ Tư pháp cũng phải nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc ý kiến nhân dân để hoàn chỉnh Bộ Luật Dân sự; cần công khai các ý kiến góp ý của nhân dân.
Về phương pháp và hình thức lấy ý kiến, Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc phát huy các cơ quan truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức lấy ý kiến.
“Nếu việc lấy ý kiến thực hiện tốt, hiệu quả, tính khả thi của Bộ Luật Dân sự sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta,” Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bộ Luật Dân sự là một bộ luật lớn trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Từ khi ra đời, Bộ Luật Dân sự đã bao quát toàn bộ các quy định về dân sự trong đời sống xã hội. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).
Đây là lần sửa đổi lớn với mục đích xây dựng Bộ Luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nghuyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.
Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) bao gồm 712 điều, được bố cục thàng 6 phần, 26 chương. So với Bộ luật dân sự năm 2005, dự thảo Bộ Luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều.