Bất đồng về kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel thông báo vẫn còn tồn tại sự khác biệt đáng kể trong quan điểm giữa Đức, Pháp và Nga về kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại miền Đông Ukraine.
Bất đồng về kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine ảnh 1Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vẫn còn tồn tại sự khác biệt đáng kể trong quan điểm giữa Đức, Pháp và Nga về kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở miền Đông Ukraine.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã đưa ra thông báo trên trong chuyến thăm Belarus ngày 17/11.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Minsk, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: "Ý tưởng của Đức-Pháp và ý tưởng của Nga về việc định hình cách thức triển khai lực lượng mũ nồi xanh vẫn rất khác biệt".

[Nga cáo buộc Ukraine phá hoại việc triển khai phái bộ LHQ ở Donbass]

Tuy nhiên, ông khẳng định điều này không đồng nghĩa các bên không thể tìm được tiếng nói chung trong việc xây dựng một kế hoạch mà ông cho là sẽ tạo ra cơ hội thực sự để thiết lập hòa bình tại vùng Donbass, khu vực xung đột ở miền Đông Ukraine.

Ngoại trưởng Gabriel đã đưa ra thông báo trên trong bối cảnh Đức, Pháp, Nga và Ukraine đang nỗ lực đàm phán nhằm chấm dứt các cuộc xung đột tại khu vực nói trên, hiện đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người.

Trước đó, hồi tháng Chín vừa qua, Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép triển khai một phái bộ vũ trang hạng nhẹ đến bảo vệ các quan sát viên quốc tế của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), đang thực thi nhiệm vụ giám sát cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Moskva muốn lực lượng này chỉ hoạt động ở dọc đường giới tuyến giữa các lực lượng của chính quyền Kiev với các tay súng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, và việc triển khai này phải được các bên liên quan đồng thuận.

Tuy nhiên, phía Ukraine đã phản đối đề xuất này và tuyên bố phái bộ của Liên hợp quốc phải được phép tuần tra trên toàn khu vực xung đột và biên giới giữa Nga với vùng lãnh thổ mà lực lượng đòi độc lập đang kiểm soát.

Hiện khoảng 600 quan sát viên của OSCE đang có mặt tại miền Đông Ukraine, song sự hiện diện của họ cũng không giúp chấm dứt giao tranh bùng phát tại đây kể từ đầu năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.