Bầu cử QH: Trách nhiệm từ chương trình hành động của mỗi người ứng cử

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở Kiên Giang và Kon Tum, các chương trình hành động của người ứng cử trình bày thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, bám sát thực tiễn địa phương, được cử tri đánh giá cao.
Bầu cử QH: Trách nhiệm từ chương trình hành động của mỗi người ứng cử ảnh 1Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Quốc hội khoá XIV, đơn vị tỉnh Kiên Giang trình bày chương trình hành động tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Những ngày qua, nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử đã được diễn ra tại các địa phương trên cả nước. Tại đây, từng người ứng cử đã báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ghi nhận tại một số hội nghị cho thấy, các chương trình hành động của người ứng cử trình bày đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nhất là đã bám sát thực tiễn địa phương, nhiệm vụ công tác và sâu sát vào những mối quan tâm chủ yếu của cử tri nên nhận được sự đánh giá cao từ cử tri.

Quan tâm phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Tại tỉnh Kiên Giang, một ngày trước khi diễn ra hội nghị tiếp xúc cử tri, có một ứng cử viên đại biểu Quốc hội tự rút ra khỏi danh sách ứng cử. Như vậy, so với danh sách đã được niêm yết ban đầu là 14 ứng cử viên, Kiên Giang còn 13 ứng cử viên để bầu 8 đại biểu Quốc hội cho nhiệm kỳ khóa XV.

Trình bày chương trình hành động trước cử tri tại huyện Vĩnh Thuận, ứng cử viên Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016-2021 chia sẻ, nhiệm kỳ qua, ông đã hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là các dự án luật liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Ông đã tham gia, cho ý kiến vào các dự án phát triển kinh tế-xã hội và an sinh xã hội của đất nước, nhất là vùng đồng bào khó khăn, vùng sâu, vùng xa; tập trung giám sát các vấn đề đặt ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử số 2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long mong muốn được tiếp tục tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri một cách sâu sắc, cụ thể hơn nữa, kịp thời phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương, địa phương; tiếp tục nghiên cứu những thế mạnh, ưu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng, từ đó tham mưu những quyết sách đúng đắn đối với từng khu vực, tỉnh Kiên Giang.

[Cử tri đặt nhiều kỳ vọng vào các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV]

Ứng cử viên Nguyễn Thị Kim Bé, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Kiên Giang cho biết, qua 14 năm tham gia hoạt động Quốc hội, bà càng hiểu rõ hơn về vai trò vị trí chức năng quan trọng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Vì vậy, nếu cử tri tiếp tục tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, bà sẽ cố gắng phát huy những kết quả đạt được của nhiệm kỳ qua, tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; luôn gần dân, giữ mối quan hệ với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, kịp thời phản ánh những ý kiến chính đáng của nhân dân đến các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết.

Theo đó, bà sẽ chú trọng đến các chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong tình hình tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hiện nay; quan tâm việc đầu tư thiết chế hạ tầng cơ sở cho Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Kiên Giang; cũng như các chính sách an sinh xã hội.

Lần đầu tiên ứng cử đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Bí thư Huyện ủy An Biên cho biết, nếu trúng cử sẽ thực hiện tốt trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; làm tốt vai trò giữa cử tri với Quốc hội; tích cực nghiên cứu, đóng góp xây dựng chính sách phù hợp nhằm tạo động lực và cơ hội phát triển cho những vùng còn nhiều khó khăn như vùng quê giàu truyền thống cách mạng U Minh Thượng.

Trình bày chương trình hành động, nêu rõ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, những người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp khẳng định nếu trở thành đại biểu sẽ cố gắng tiếp tục học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ bản thân, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, làm cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời phản ánh những ý kiến chính đáng của nhân dân đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết.

Qua nghe chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, hầu hết cử tri trong tỉnh phấn khởi, thống nhất cao. Nhiều cử tri mong muốn, những người trúng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp sắp tới sẽ thực hiện tốt chương trình hành động đã đề ra, từ đó giúp tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát triển bền vững.

Tỉnh Kiên Giang có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội. Đơn vị bầu cử số 1 (gồm các huyện Kiên Hải, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao) có 4 ứng cử viên để bầu 2; đơn vị số 2 (gồm các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và Châu Thành) có 5 ứng cử viên, bầu 3 và đơn vị số 3 (các huyện, thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành) có 4 ứng cử viên, bầu 3 đại biểu. Kiên Giang có 103 người ứng cử để bầu 60 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh; 961 người ứng cử để bầu 482 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện; 6.319 người ứng cử để bầu 3.754 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã.

Chú trọng phát triển nền giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tiếp xúc cử tri huyện Kon Rẫy (Kon Tum), các ứng cử viên tại Đơn vị bầu cử số 1 đã giới thiệu chương trình hành động của mình nhằm giúp huyện và tỉnh phát triển, trong đó chú trọng phát triển nền giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bầu cử QH: Trách nhiệm từ chương trình hành động của mỗi người ứng cử ảnh 2Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thực hiện quyền vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Phát biểu với các cử tri, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, ứng cử viên đại biểu Quốc hội, nêu rõ, nếu trở thành đại biểu Quốc hội ở đây, ông và các đại biểu sẽ đại diện cho cử tri Kon Rẫy nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung, cùng với Đảng bộ tỉnh đưa các tiếng nói, kiến nghị của người dân đến với Chính phủ, Quốc hội để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh.

Cùng với đó, tập trung đóng góp công sức, năng lực, hiểu biết vào tiến trình phát triển đất nước; cố gắng lan tỏa tinh thần ấy cho bà con cử tri để cùng xây dựng huyện Kon Rẫy và tỉnh Kon Tum có bước phát triển vượt bậc.

Nói đi đôi với làm, ông và các đại biểu sẽ nỗ lực thực hiện đúng chương trình hành động và lời hứa của mình; mong cử tri sẽ giám sát, cùng đồng lòng, chung sức, ủng hộ để các ứng cử viên khi trúng cử đại biểu Quốc hội có điều kiện thực thi trách nhiệm của mình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nhiệm vụ hàng đầu là tự giác tu dưỡng rèn luyện đạo đức, phẩm chất, tinh thần tự học, tự rèn để có đủ kiến thức và năng lực, xứng đáng là đại biểu để được dân tin yêu, từ đó có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ.

Tin tưởng chương trình hành động và cam kết thực hiện của các ứng cử viên, cử tri Huỳnh Ngọc Phong (ở Thôn 1, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) chia sẻ: "Sau khi dự hội nghị, tiếp xúc với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, tôi rất phấn khởi. Với độ tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn của các ứng cử viên, tôi đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng. Qua chương trình hành động, lời hứa trước cử tri, tôi thấy các ứng cử viên dám nghĩ, dám làm, nêu ra được khó khăn và giải pháp cho tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Rẫy nói riêng.”

Tỉnh Kon Tum có 10 ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại 2 đơn vị bầu cử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục