Bầu cử Quốc hội, HĐND: Sẵn sàng cho Ngày hội của toàn dân

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức buổi phỏng vấn trực tuyến với chủ đề “Ngày hội của toàn dân” để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của Ngày bầu cử đến đông đảo nhân dân.
Bầu cử Quốc hội, HĐND: Sẵn sàng cho Ngày hội của toàn dân ảnh 1Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (Cuộc bầu cử) là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước sẽ diễn ra vào ngày 23/5/2021.

Để tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của Cuộc bầu cử đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, ngày 14/5, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức buổi phỏng vấn trực tuyến với chủ đề “Ngày hội của toàn dân.”

Buổi phỏng vấn trực tuyến là cầu nối để bạn đọc gửi câu hỏi đến những vị khách mời là những người tham gia trực tiếp vào công tác chuẩn bị bầu cử gồm ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực, Tiểu ban An ninh, trật tự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Công an; ông Nguyễn Chí Đoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết cuộc bầu cử lần này có một số điểm mới trọng tâm. Theo đó, công tác triển khai bầu cử được tiến hành từ rất sớm. Công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử cũng sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước đây. Những yếu tố này đã tạo sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm triển khai kịp thời các kế hoạch, lịch trình và công việc phải thực hiện trong cuộc bầu cử.

[Xây dựng Quốc hội đại diện, tiêu biểu cho khối đoàn kết toàn dân]

Bên cạnh đó, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. Luật Tổ chức Quốc hội (được sửa đổi năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được sửa đổi năm 2019) quy định số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên ít nhất 40%; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giảm đều từ 5 đến 10 đại biểu tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính.

Một vấn đề nữa là xác định độ tuổi người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân khi áp dụng độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) và việc tính tuổi (theo lộ trình) được áp dụng đối với cả đại biểu chuyên trách và đại biểu không chuyên trách.

Đáng chú ý, công tác chuẩn bị bầu cử được đặt ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Đây là lần đầu tiên, nội dung y tế được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh, trật tự để tham mưu, giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến y tế, góp phần tổ chức cuộc bầu cử thành công.

Theo ông Bùi Văn Cường, việc tổ chức bầu cử phải bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch bệnh; kịp thời triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử với hình thức phù hợp, bảo đảm an toàn.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị chủ quản ứng cử viên chủ động trong việc thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các ứng cử viên trước khi tiếp xúc cử tri và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo an toàn trong khi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử và các hoạt động khác.

Trường hợp dịch COVID-19 bùng phát dẫn đến không thể tổ chức được việc bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử hoặc đối với địa phương do dịch bệnh phải áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa xã hội thì Ủy ban bầu cử cấp tỉnh sẽ chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo rõ phương án (thời điểm, cách thức thực hiện việc bỏ phiếu và những công việc cần thực hiện khác) để Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định.

Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cho biết thêm hiện nay, một số địa phương cũng đã, đang phải tính đến các phương án tổ chức bỏ phiếu trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn.

Cụ thể, tại Hà Nội, sẽ có thêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi bầu cử và có phương án riêng đối với các điểm cách ly, phong tỏa. Ủy ban bầu cử thành phố đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia về các phương án đặc thù tổ chức bầu cử tại các điểm cách ly y tế.

Theo đó, một số điểm hiện bị cách ly trước là "điểm bỏ phiếu phụ" (do số lượng cử tri ít) nay thành điểm có số lượng cử tri đông, ví dụ như Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Vì vậy, Ủy ban bầu cử thành phố đã xin chia nhỏ và ghép số lượng cử tri đang ở khu cách ly vào các khu vực bỏ phiếu liền kề nhưng vẫn bảo đảm số lượng cử tri tại một đơn vị bầu cử không vượt quá 4.000 người.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban bầu cử thành phố yêu cầu sắp xếp chỗ ngồi đảm bảo yêu cầu giãn cách, hạn chế tập trung đông người; bố trí người tham dự không quá 50% sức chứa của hội trường tổ chức.

Tại Bắc Giang, dự kiến sẽ không tổ chức khai mạc đông người trong ngày bầu cử; chia nhỏ cử tri thành nhiều đợt để bỏ phiếu theo giờ, tránh tập trung đông người...

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về việc vận động bầu cử cho phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, đối với những địa phương ở trạng thái bình thường hoặc thực hiện giãn cách xã hội thì có thể tổ chức hội nghị trực tiếp hoặc trực tuyến.

Trước khi tổ chức hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần liên hệ, xác định rõ số lượng và thành phần đại biểu tham dự hội nghị theo đúng quy định.

Việc mời và xác định số lượng, thành phần đại biểu tham dự có thể thực hiện qua hình thức điện thoại, email, tin nhắn hoặc sử dụng các ứng dụng như Zalo, Viber. 

Đối với những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc áp dụng biện pháp phong tỏa không thể tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung thì Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) báo cáo cấp ủy, các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp lựa chọn hình thức phù hợp, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử...

Liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực, Tiểu ban An ninh, trật tự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, khẳng định công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử đã được Bộ Công an chuẩn bị từ sớm, rất kỹ lưỡng về tất cả các mặt, trên khắp cả nước.

Lực lượng Công an cả nước đã tổ chức tốt công tác nắm tình hình bên trong, bên ngoài liên quan đến an ninh, trật tự cuộc bầu cử; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa từ sớm, từ xa mọi âm mưu, hoạt động chống phá cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây mất an ninh, trật tự, chống Đảng, Nhà nước.

Lực lượng Công an cũng liên tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn người nước ngoài, người Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tăng cường phòng, chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tích cực thực hiện nhiệm vụ tuyến đầu trong phòng, chống dịch COVID-19, củng cố môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ tốt nhất cuộc bầu cử, trọng tâm là Ngày bầu cử.

“Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện nay, công tác bảo đảm an ninh, trật tự đã cơ bản được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, cụ thể, sẵn sàng bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Ngày Bầu cử,” Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục