Bế mạc Hội nghị Đối ngoại đa phương-khuyến nghị chính sách

Sau một ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, chiều 12/8, tại Hà Nội, Hội nghị Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách với Việt Nam đã bế mạc.
Bế mạc Hội nghị Đối ngoại đa phương-khuyến nghị chính sách ảnh 1Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sau một ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, chiều 12/8, tại Hà Nội, Hội nghị Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách với Việt Nam đã bế mạc.

Đây là hội nghị đầu tiên có quy mô toàn quốc bàn về đối ngoại đa phương, một bộ phận rất quan trọng của chính sách đối ngoại Việt Nam, đồng thời cũng là xu thế nổi bật của quan hệ quốc tế thế kỷ 21.

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu về đối ngoại đa phương và đại diện các ban, bộ, ngành, các chuyên gia, học giả trong cả nước cùng đại diện các địa phương đã đóng góp những ý kiến đầy tâm huyết.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những xu thế lớn của đối ngoại đa phương thế kỷ 21; thành tựu và bài học của đối ngoại đa phương Việt Nam thời kỳ đổi mới; những yêu cầu mới đối với đối ngoại đa phương Việt Nam và ASEAN... Các ý kiến trao đổi, đề xuất, gợi mở nhiều vấn đề lớn để các bộ, ngành xây dựng định hướng và triển khai hiệu quả hơn các hoạt động đa phương trong thời kỳ mới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đối ngoại đa phương trở thành yêu cầu cấp thiết và là phương thức hữu hiệu của các quốc gia, nhằm tranh thủ nguồn lực phục hồi và phát triển kinh tế cũng như định vị mình trong cục diện quốc tế đang định hình.

Bước sang thế kỷ 21, nội hàm đối ngoại đa phương trở nên rộng hơn, sâu hơn, mang tầm đa ngành, trong đó phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức toàn cầu là những ưu tiên hàng đầu. Trong cục diện “đa trung tâm” và xu thế dân chủ hóa, các chủ thể của quan hệ quốc tế và đặc biệt là định chế đa phương ngày càng đa dạng với sự tương tác năng động.

Với kinh nghiệm của bè bạn quốc tế và thực tiễn triển khai đối ngoại đa phương Việt Nam trong gần 30 năm đổi mới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu ra 5 bài học lớn để phát huy thế mạnh của đối ngoại đa phương trong triển khai hội nhập quốc tế sâu rộng và phục vụ phát triển đất nước.

Thứ nhất là bài học giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đồng thời đề cao chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Đây là nền tảng quan trọng để hoạch định và thúc đẩy các hoạt động đa phương.

Thứ hai là bài học nắm bắt kịp thời xu thế, quan tâm chung, tiếp cận và xử lý trên cơ sở “mẫu số chung,” đồng thời xử lý hài hòa quan hệ giữa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích chung của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Thứ ba là bài học kết hợp chặt chẽ đối ngoại đa phương với đối ngoại song phương, triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại đa phương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, học giả, doanh nghiệp và nhân dân nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, tăng cường đồng thuận trong nước và tranh thủ rộng rãi hơn sự ủng hộ quốc tế.

Thứ tư là bài học về sự tương tác biện chứng giữa nội lực và sự chuẩn bị trong nước với sức vươn và hiệu quả của đối ngoại đa phương.

Thứ năm là cần có tư duy dài hạn, tiếp cận đa ngành, xử lý nhạy bén và linh hoạt để bắt kịp những chuyển biến sâu sắc và phức tạp trong cục diện đa phương thế kỷ 21.

Trên cơ sở những bài học, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các ban, bộ, ngành phối hợp chặt chẽ triển khai hoạt động đối ngoại đa phương thời gian tới theo hướng sau: một là chuyển mạnh từ tư duy “gia nhập và tham gia” sang tư duy “chủ động đóng góp, khởi xướng và tích cực tham gia định hình,” tăng cường cách tiếp cận đa ngành, chú trọng nội hàm phát triển bền vững.

Hai là khẩn trương đề xuất định hướng tổng thể và dài hạn của đối ngoại đa phương Việt Nam trong 10-20 năm tới.

Ba là trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, đối ngoại đa phương cần tập trung vào một số trọng tâm như đảm nhận thành công các trọng trách và đăng cai tổ chức các hoạt động đa phương lớn; hoàn tất các cam kết quốc tế lớn có thời hạn vào 2015-2020, nhất là hoàn tất xây dựng Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn ASEAN sau 2015...; đẩy mạnh nội hàm phát triển và ứng phó với các thách thức toàn cầu trong các hoạt động đa phương, nhằm thiết thực phục vụ Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.

Bốn là, cần cải tiến, đổi mới cơ chế thông tin, phối hợp liên ngành và giữa các ban, bộ, ngành với địa phương, doanh nghiệp, phù hợp với chuyển biến của tình hình quốc tế và đáp ứng nhu cầu mới của đất nước.

Đồng thời, cần coi trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đa phương theo hướng chuyên nghiệp. Đây là vấn đề rất cấp bách để Việt Nam triển khai thành công hoạt động đối ngoại đa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục