Bế mạc Phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Sau năm ngày làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm, phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn và quan trọng.
Bế mạc Phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bế mạc, kết thúc phiên họp thứ 42. Đây là phiên họp với nhiều nội dung quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào 20/10 tới.


Công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo

Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết sau năm ngày làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm, phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn và quan trọng. Đây là phiên họp cuối để chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII chuẩn bị khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá qua phiên họp này cho thấy công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo; việc chuẩn bị càng cẩn thận bao nhiêu, càng đảm bảo cho thành công của kỳ họp thứ 10, kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020.

Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII; về đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; về Hội đồng bầu cử quốc gia và Ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Đối với công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ đã cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý cac dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tạm giữ, tạm giam; Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Bộ luật dân sự (sửa đổi); Luật trưng cầu ý dân; Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Đồng thời cho ý kiến về các dự án Luật đấu giá tài sản; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật về hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; về đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; về Hội đồng bầu cử quốc gia và Ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển; phù hợp với các cam kết quốc tế, với cam kết tại các thỏa thuận và Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc đang trong quá trình đàm phán để ký kết, tham gia, qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và tăng việc làm cho người lao động.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn bởi Luật thuế giá trị gia tăng và Luật quản lý thuế mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung tại Luật số 71/2014/QH13, hiệu lực thi hành ngày 101/2015 và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi hiện nay chưa đến thời điểm hiệu lực thi hành (1/1/2016), nay Chính phủ tiếp tục đề nghị sửa đổi là chưa thực sự hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ vấn đề về thuế rất cần sự ổn định để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, nếu cứ thay đổi liên tục như thế này sẽ làm ảnh hưởng tới mức độ tin tưởng của người dân.

Cũng nỗi băn khoăn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng luật vừa mới ban hành, có luật còn chưa kịp có hiệu lực đã phải sửa, tuy không nhiều nhưng cũng là điều không hay. Tuy nhiên xuất phát từ những vấn đề của thực tế, các vấn đề liên quan đến thuế, doanh nghiệp, cạnh tranh... nếu phát hiện không hợp lý, thấy cần thì vẫn phải sửa cho phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải chuẩn bị kỹ cả tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra để rõ từng nội dung, trình Quốc hội quyết định. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc sửa đổi cần tính tới các nội dung Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP)... và nhiều nội dung khác. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc bố trí thảo luận nội dung này phải hợp lý, khoa học để thông qua tại một kỳ họp.

Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận đề nghị ban soạn thảo cần rà soát lại tất cả các nội dung, tuy sửa đổi không nhiều nhưng vẫn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục theo luật định.

Về hoàn thuế giá trị gia tăng, đối với xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị cần cân nhắc quy định này bởi hiện nay hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ được Chính phủ cho phép mở lại không được hoàn thuế, nếu vì lý do khó giám sát, quản lý mà không cho hoàn thuế đối với trường hợp này là chưa hợp lý.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sự cần thiết đảm bảo tính ổn định trong chính sách về thuế, tuy nhiên trước những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh... nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế. Ban soạn thảo trên cơ sở ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ về từng nội dung, cần hoàn thiện hồ sơ, làm rõ lý do vì sao cần thiết sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thảo luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục