Bế mạc Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều nội dung có chất lượng tốt nên việc xem xét đạt hiệu quả cao.

Chiều 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 51.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, với tinh thần trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên họp với thời gian rút ngắn nửa ngày so với kế hoạch ban đầu, mặc dù có bổ sung thêm 2 nội dung theo đề nghị của Chính phủ.

Với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều nội dung có chất lượng tốt nên việc xem xét, cho ý kiến đạt hiệu quả cao.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan hữu quan nhanh chóng triển khai các kết luận của phiên họp, hoàn thiện về kỹ thuật dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và các dự thảo nghị quyết để ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Phiên họp thứ 51 là phiên họp thường kỳ cuối cùng khép lại năm công tác 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Một năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn thực hiện theo kế hoạch tất cả nhiệm vụ.

[Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác nhân sự]

Tuy vẫn còn một số hạn chế nhất định, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giải pháp khắc phục kịp thời và hoàn thành chương trình làm việc.

Bước sang năm 2021, ngay tháng đầu tiên đã có rất nhiều việc phải triển khai. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV và triển khai những công việc cho đến hết nhiệm kỳ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai công việc theo đúng kế hoạch đề ra.

Bế mạc Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 1Phiên họp thứ 51 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trước khi bế mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó có cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố và việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân trong bầu cử bổ sung; dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Cho ý kiến về các nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rà soát lại dự thảo nghị quyết liên tịch, hướng dẫn theo đúng quy định của pháp luật; không nên thêm quy định dẫn tới rắc rối, phiền hà; chỉ sửa đổi những quy định có bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị việc lấy ý kiến ở nơi cư trú với người ứng cử cần linh hoạt, chẳng hạn với người ứng cử sinh sống ở nơi tạm trú, khó lấy ý kiến ở nơi sinh sống thì có thể lấy ý kiến ở nơi thường trú. Số dư không nên quy định cứng, vì có thể có địa bàn rất khó có đủ nhân sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn ứng cử. Nên giữ nguyên như quy định hiện hành là có số dư cần thiết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không đặt vấn đề sửa đổi với những quy định đã được áp dụng hiệu quả, ổn định; đồng thời đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tiếp tục hoàn thiện các dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới.

Cũng trong chiều 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến ngày 31/12/2021.Theo Nghị quyết, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay được áp dụng từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 2.100 đồng/lít, giảm 30%.

Từ ngày 1/1/2022 trở đi, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ trở lại mức 3.000 đồng/lít. Mức giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là sự hỗ trợ trực tiếp giúp các doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các dự án đã thực hiện thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục