Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Chính phủ Belarus ngày 7/12 đã quyết định áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt đối với Belarus, bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Theo hãng thông tấn BelTA của Belarus, đây là sự trả đũa của nước này trước các lệnh trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Canada và một số quốc gia khác áp đặt với nước này, được công bố vào tuần trước.
Hãng trên nêu rõ: "Trong bối cảnh phương Tây tiếp tục nỗ lực áp đặt các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đối với đất nước của chúng tôi, Belarus đã thực hiện các biện pháp trả đũa nước này."
[EU nhất trí mở rộng danh sách trừng phạt đối với Belarus]
Ngoài EU, Mỹ, Vương quốc Anh và Canada, lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng này cũng được áp dụng đối với Cộng hòa Séc, Albania, Montenegro, Iceland, Na Uy, Bắc Macedonia và Thụy Sĩ.
Trong 10 tháng đầu năm nay, Belarus đã nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm trị giá hơn 530 triệu USD từ các nước trên.
Danh sách các thực phẩm nhập khẩu nằm trong lệnh cấm này bao gồm thịt lợn, thịt gia súc, thịt sấy khô, thịt hun khói, thịt ướp muối, rau xanh, hoa quả, các loại hạt, xúc xích, bánh kẹo, muối...
Động thái trên của Belarus diễn ra trong bối cảnh EU cùng với Anh, Canada và Mỹ ngày 2/12 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus.
Các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào hãng hàng không nhà nước Belavia của Belarus và 17 cá nhân cũng như 11 thực thể của nước này, trong đó có các quan chức hàng đầu Belarus, bằng hình thức phong tỏa tài sản và cấm đi lại.
Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt các hạn chế đối với giao dịch trong các đợt phát hành trái phiếu mới của Chính phủ Belarus và mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng chục cá nhân và thực thể của nước này.
Anh và Canada cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào các các nhân và thực thể của Belarus.
Căng thẳng giữa Belarus và phương Tây gia tăng liên quan đến vấn đề người di cư.
EU cáo buộc Belarus để cho dòng người di cư từ Trung Đông đến nước này và vượt biên giới sang Ba Lan, cửa ngõ vào EU, cũng như các nước thành viên khác trong liên minh nhằm đáp trả việc tổ chức này áp đặt các biện pháp trừng phạt Minsk trước đó.
Phía Belarus luôn bác bỏ, khẳng định đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán chiến tranh.
Belarus đã đề xuất kế hoạch trong đó EU tiếp nhận 2.000 người di cư trong khi Belarus sẽ hồi hương 5.000 người khác. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Ủy ban châu Âu (EC) và Đức bác bỏ./.